Chán làm thuê, về quê làm giàu
Gặp anh Thái Đăng Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Trà Lân BAMBOO tại Hội chợ Công Thương vùng Bắc Trung bộ diễn ra tại tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 12 vừa qua. Được nghe Tiến say sưa kể chuyện làm các sản phẩm mỹ nghệ từ tre, rồi giới thiệu với khách tham quan xem thử các sản phẩm làm từ tre, mời họ có dịp ghé miền Trà Lân. Tiến hóm hỉnh: Nếu như trước đây người ta biết đến "miền Trà Lân trúc chẻ tro bay" trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, thì nay sẽ biết đến tre Trà Lân qua những sản phẩm mỹ nghệ. Gian hàng với các sản phẩm từ cây tre của anh với những sản phẩm độc đáo như bình trà, cốc chén, hộp bút, khay nước, hộp tăm… được làm từ tre đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Anh Thái Đăng Tiến giới thiệu về sản phẩm làm từ tre |
Tại hội chợ, ông Nguyễn Văn Nam ở phường Hưng Bình – TP. Vinh (Nghệ An) đã bị bộ bình trà làm từ tre mê hoặc, không ngần ngại bỏ ra 1.500.000 đồng để sở hữu sản phẩm. Ông vui vẻ nói với mọi người: Bình trà này còn nguyên bộ rễ trên nắp, thú vị quá. Nếu có dịp chắc chắn tôi sẽ tới tận xưởng để chiêm ngưỡng hết các tác phẩm từ tre này.
Lời của ông Nguyễn Văn Nam đã thôi thúc tôi vượt gần 200 km, lên Con Cuông tìm đến cơ sở sản xuất của Tiến ở thôn Khe Choăng, xã Châu Khê (Con Cuông). Chứng kiến "vua tre" đang tất bật trong xưởng, rồi được nghe anh chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm thuê và khởi nghiệp, đã từng cay đắng trước những thất bại và con đường không có tương lai ở phía trước.
Tiến cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh theo học khoa Gò – Hàn tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An), rồi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 2 năm để kiếm tiền làm vốn. Không như những gì anh mong đợi, suốt 2 năm làm việc ở Đài Loan không mang lại cho Tiến được bao nhiêu. Bởi theo anh, "đó thật sự chỉ là mưu sinh, chứ không phải phát triển sự nghiệp hay gì cả". Điều đó đã thôi thúc Tiến trở về quê hương sau 2 năm ở Đài Loan.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, Thái Đăng Tiến cho biết: "Em lớn lên giữa bạt ngàn tre, trúc… người dân trồng tre, trúc, rất vất vả cực khổ mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Em trăn trở người dân mình sao cứ nghèo mãi trên nguồn tài nguyên vô giá. Em nảy sinh ra ý tưởng chế tác các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ tre để tạo ra giá trị mới cho cây tre".
Thêm một nguyên nhân nữa thôi thúc Tiến khởi nghiệp với cây tre là, trước đây anh kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, và nhận thấy nguồn tài nguyên gỗ ngày càng cạn kiệt, nguy cơ tàn phá môi trường, phá hoại tài nguyên rừng, trong khi nguồn tài nguyên từ tre, trúc, mét thì hầu như vô tận, do có thể tái sinh trong thời gian ngắn, là sản phẩm "xanh" đúng nghĩa.
Gian hàng tre của Trà Lân BAMBOO tại Hội chợ Công Thương vùng Bắc Trung bộ |
Khởi nghiệp với vốn liếng đầu tư khoảng 200 triệu đồng từ tiền vay mượn. Số tiền nhỏ nhưng nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân với Tiến là quá thành công. Rồi xưởng sản xuất, máy luộc, máy sấy lạnh, một số máy cầm tay khác… lần lượt được đầu tư. Tiến cho biết: "Nghề này tỉ mẩn lắm, phải có đam mê, có tâm hồn mới làm được".
Đặc biệt, để làm ra một sản phẩm từ tre không hề đơn giản, "xử lý nguyên liệu là khâu kỳ công và mất nhiều thời gian nhất, em đã thất bại không biết bao nhiêu lần, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền cho công đoạn này. Cuối cùng thì đã tìm ra kỹ thuật sử dụng, áp lực hơi để phun cát làm sạch sản phẩm" – Tiến hớn hở nói.
Trái ngọt sau những gian nan
"Bây giờ em không còn thấy mình là người thất bại nữa. Trái lại, em còn giúp cho khoảng 7 lao động lành nghề, khi cao điểm có tới 15 lao động ở địa phương có thu nhập ổn định tại xưởng. Thêm vào đó là các cô, chú làm nghề vận chuyển tre cũng sinh sống được với nghề" –Tiến cười hiền.
Thường thì sau khi khai thác tre, người ta sẽ vứt gốc đi. Tiếc của, nhận thấy thứ bỏ đi ấy sẽ "đẻ ra tiền" nếu được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nghĩ là làm, Tiến thuê máy múc lên rừng đào rễ tre tìm nguyên liệu. Gốc tre sau khi rửa sạch, phơi khô, xử lý để chống mối mọt sẽ được các thợ tiện chế tác thành sản phẩm, chủ yếu là ấm pha trà, cốc hay bình cắm hoa. Những phần như nắp ấm, tay cầm, vòi nước... cũng được dùng từ những phần cành, rễ, nhánh của cây tre, tất nhiên là phải lựa chọn rất kỹ để vừa đảm bảo hài hòa về mặt mỹ thuật, vừa đảm bảo công năng sử dụng cũng như độ bền của sản phẩm. Cũng bởi được chế tác từ phần gốc, rễ của cây tre nên các sản phẩm dù cùng chủng loại cũng không thể giống nhau mà mang nét đẹp riêng biệt. Do vậy, mức giá của sản phẩm cũng khác nhau, giao động từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng, tùy vào độ tinh xảo.
Khi sản phẩm được nhiều người khen ngợi vì ý tưởng độc đáo, thẩm mỹ tinh tế và hữu dụng, Tiến cho biết tất cả chỉ là bước đầu. Công ty sẽ tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới, bao gồm cả trang trí nội thất bằng tre, xu hướng mới trong trang trí nội thất hiện nay. Tôi hỏi về dự định tiếp theo, Tiến hồ hởi: "Hiện, em đang xúc tiến để thành lập Hợp tác xã (HTX) tre, đã có gần 10 thành viên đăng ký tham gia. Phải thành lập HTX thì bà con mới có kỹ thuật trồng và thu hoạch tre đúng cách, bảo vệ tốt môi trường. Bà con có thể khai thác gốc tre, cành tre để bán tiếp cho công ty. Nếu thành lập HTX, ngoài việc bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, chắc chắn thu nhập từ cây tre của bà con cũng sẽ tăng lên".
"Ngoài việc giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch trong tỉnh, hiện công ty cũng triển khai quảng bá và nhận làm các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng thông qua mạng xã hội. Một số khách hàng tin tưởng gửi mẫu để bên em sản xuất rồi mang sang châu Âu làm quà tặng. Em vững tin, một ngày không xa, các sản phẩm từ tre của miền Trà Lân sẽ có mặt khắp mọi miền và nhiều quốc gia" – Tiến rất tự tin!
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông: Ý tưởng của Thái Đăng Tiến quá hay, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con lại giữ được hồn cốt của tre Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nên được chính quyền địa phương rất ủng hộ. |