Hỗ trợ tạo cơ hội cho doanh nhân nữ Việt Nam
Thông tin tại hội thảo “Xúc tiến hợp tác công - tư nhằm tối đa cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp nữ Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức mới đây, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết: Việt Nam hiện có hơn 70% dân số nữ tham gia vào lực lượng lao động. Với 26,5% doanh nghiệp trong nước thuộc sở hữu của các nữ doanh nhân, các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang từng bước thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 4% năm 2009 lên tới 21% vào năm 2022 và đến nay đạt tỷ lệ khoảng 25%.
Không chỉ tăng lên về số lượng, nhiều doanh nhân nữ hiện nay đã đạt được những thành tựu lớn, được vinh danh nhiều danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, khởi nghiệp và những nữ doanh nhân khác.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Dự án SheTrades và đối tác ITC cam kết sẽ mang đến những hoạt động xây dựng năng lực có chất lượng, hướng dẫn và tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp nữ làm chủ |
Ông Vũ Bá Phú đánh giá, mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng nhưng tại Việt Nam, trong số 73% lực lượng lao động là phụ nữ có tới 69% làm việc trong điều kiện lao động còn chưa thực sự đảm bảo. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các lao động là nữ cũng gặp rất nhiều thách thức về kỹ năng, kinh nghiệm và tiếp cận thông tin phục vụ sản xuất và kinh doanh.
Nhằm thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho các doanh nhân nữ trên khắp Việt Nam, tháng 11/2021, Cục Xúc tiến thương mại và ITC đã chính thức thành lập Dự án SheTrades tại Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, kể từ khi ra mắt tại Việt Nam, dự án đã thực hiện thành công 10 hoạt động, bao gồm các buổi hội thảo kỹ thuật (trực tiếp và online), hội chợ thương mại, các hoạt động nâng cao năng lực, tổ chức cuộc thi Lập kế hoạch kinh doanh cho nữ doanh nhân.
SheTrades Việt Nam hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như nông sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, dệt may, dịch vụ... Đồng thời, SheTrades Việt Nam đi theo định hướng phát triển bền vững, từng bước hỗ trợ hiệu quả cho các nữ doanh nhân, đặc biệt là năng lực kinh doanh trên môi trường số.
Từ dự án này, ông Vũ Bá Phú cho biết, Cục Xúc tiến thương mại, Dự án SheTrades và đối tác ITC cam kết sẽ mang đến những hoạt động xây dựng năng lực có chất lượng, hướng dẫn và tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp nữ làm chủ. Hi vọng thời gian tới, việc đẩy mạnh các hoạt động của dự án sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ làm chủ trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đánh giá cao việc thành lập Dự án SheTrades ở Việt Nam là rất kịp thời, bà Anna Morie - Quản lý sáng kiến SheTrades, ITC cho biết, với sự tham gia của những tổ chức quan trọng ở Việt Nam như cơ quan Chính phủ, ngân hàng, những công ty có sức mua lớn, các nữ doanh nhân Việt Nam được hỗ trợ và trang bị kiến thức để phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong chiến lược bình đẳng giới và cần đảm bảo phụ nữ có các công cụ, được xây dựng năng lực để sử dụng công cụ thương mại điện tử, được tiếp cận tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. “Đây chính là lĩnh vực mà Cục Xúc tiến thương mại và Dự án SheTrades có thể hỗ trợ” - bà Anna Morie nhấn mạnh.
Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ |
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Minh Hoa - Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - đề xuất, trong thời gian tới, SheTrades nên tăng cường các hoạt động về chuyển đổi số, hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp ở các địa phương, các nữ doanh nhân ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thông tin về các chương trình hiện tại của Bộ Công Thương hỗ trợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Quản lý Dự án SheTrades Việt Nam - Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (INTEC), Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, các chính sách hiện hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nhân nữ tập trung vào số hóa, hệ thống truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thị trường. Cùng với đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương cũng có các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong các hoạt động của Bộ Công Thương.
Tại hội thảo, các đại diện cho khối Nhà nước đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ các chương trình và hoạt động hiện tại của đơn vị nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nói riêng và cho các doanh nhân nữ nói chung. Các đại diện đến từ các doanh nghiệp như ngân hàng, sàn thương mại điện tử, dịch vụ đưa ra những giải pháp cho doanh nghiệp và những khuyến nghị nhằm tăng cường chặt chẽ và hiệu quả các hình thức hợp tác công - tư.