Hiệp hội ngành hàng bắt tay xúc tiến thương mại, nâng tầm vị thế gỗ Việt
Theo Hiệp hội gỗ Việt Nam (VIFOREST), nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đã đạt được tăng trưởng cao ở mức 2 con số, nhờ vào sự gia tăng nhanh chóng của quy mô thị trường thế giới và sức hút từ năng lực sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao.
Tuy nhiên trong năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam chỉ đạt 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Mức tăng trưởng chậm này là một bước lùi.
Phân tích cụ thể, Hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết, nhiều năm qua hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Chính điểm yếu này khiến các doanh nghiệp gỗ bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm, minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng và đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp FDI khác trong ngành vẫn sản xuất đều. Từ đó dẫn đến giá trị gỗ xuất khẩu trong năm 2022 tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước đó.
Trên thực tế, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam có lợi thế về sản xuất nhưng chưa làm chủ được thị trường và đã đến lúc các doanh nghiệp, hiệp hội hợp tác thực hiện các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh ngành gỗ có quy mô tầm cỡ, tương xứng với năng lực sản xuất của ngành.
“Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế”- ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.
Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách mua hàng quốc tế đến với Việt Nam trong dịp tổ chức hội chợ |
Xuất phát từ đó, ngày 9/2/2023, 5 hiệp hội gồm VIFOREST, HAWA (Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh), BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai), FPA Bình Định (Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định) đã ký kết hợp tác, tạo sức mạnh chung với tên gọi Viforest Fair.
Với sự bắt tay này, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại của 5 hiệp hội sẽ không còn riêng lẻ, mà quy về một mối, nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm nhiều điều kiện để doanh nghiệp trong ngành có môi trường kinh doanh rộng mở.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch của HAWA, để mở đầu cho chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại ngành gỗ và nội thất năm 2023, 5 hiệp hội nói trên đã liên kết để tổ chức HawaExpo 2023, diễn ra từ 22-25/2 tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện đầu tiên và cũng là điểm nhấn quan trọng nhất trong hợp tác này.
HawaExpo 2023 là hội chợ thể hiện sự đa dạng hóa và sức mạnh của các nhà sản xuất địa phương. Sự kiện cũng là tiếng nói khẳng định quyết tâm và khả năng bứt phá khỏi mô hình gia công, tham gia các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị mà ngành chế biến gỗ Việt Nam theo đuổi.
Đáng chú ý, cùng với ký kết giữa 5 hiệp hội gỗ, HAWA cũng thực hiện ký kết hợp tác cùng Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh để ngành du lịch vào cuộc, tạo điều kiện tối đa cho khách mua hàng quốc tế đến với Việt Nam.
Có thể thấy, với sự hợp tác chặt chẽ theo một thể thống nhất, bài bản này, ngành gỗ kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm như hiện nay. Xa hơn chính từ đó tiến tới nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Để ngành gỗ phát huy thế mạnh, tiềm năng và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp ngành gỗ như tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Việt Nam, hướng đến quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. |