Sáng ngày 12/6, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Đà Nẵng tổ chức tổng kết kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (2009 - 2019).
Hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt thông qua các hội chợ, chương trình bán hàng khuyến mại |
Qua 10 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp, nhận thức về tiêu dùng và ưu tiên tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các thành viên ban chỉ đạo đã tổ chức biên soạn 77.500 tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về cuộc vận động; gần 1.000 hội nghị, tọa đàm, hội thi, tập huấn về cuộc vận động được tổ chức với nhiều hình thức sáng tạo như lồng ghép trong các chương trình bán hàng Việt tại khu dân cư, khu công nghiệp, trong các phong trào dân vận…. Trong đó, thiết thực và có hiệu quả nhất phải kể đến việc “chắp cánh” cho những sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương như: bánh khô mè Bà Liễu, rau sạch La Hường, nước mắm Nam Ô…. đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua việc ưu tiên cho các sản phẩm này có mặt thường xuyên tại các hội chợ hàng Việt, hội chợ Xuân, hội chợ hàng nông sản của thành phố, hoặc theo các chuyến công tác của lãnh đạo thành phố đến với các hội nghị, hội thảo, hội chợ quảng bá ở các địa phương khác trong cả nước cũng như quốc tế.
Ông Nguyễn Hà Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đà Nẵng - phát biểu tại hội nghị |
Về phía từng đơn vị, trong 10 năm, Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng đã tích cực tham mưu cho thành phố ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Theo đó, hỗ trợ nhiều lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thuộc các chương trình nông thôn miền núi, các dự án các cấp với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, hỗ trợ 13 tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu công nghiệp)…
Sở Công Thương đã hỗ trợ 78 đơn vị thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, gia hạn Giấy đăng ký nhãn hiệu và hỗ trợ tư vấn, thiết kế bao bì sản phẩm, phát triển thương hiệu với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký các cuộc bình chọn sản phẩm thương hiệu quốc gia, giải thưởng hàng Việt Nam chất lượng cao; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận và phát triển dịch vụ thương mại thông qua ứng dụng thương mại điện tử…. Sở cũng là đơn vị “chủ công” tổ chức các hội chợ triển lãm hàng Việt hàng năm, tổ chức 2 điểm bán hàng Việt thường xuyên tại chợ Cồn và chợ Hàn. Nổi bật là tổ chức thành công 5 Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên (từ năm 2015 - 2019) với 106 lượt tham dự của các tỉnh, thành trên cả nước với 1.270 lượt doanh nghiệp tham dự, trưng bày, giao lưu và có tổng cộng 117 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết.
Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong những năm qua cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tích cực từ phía các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua việc ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã; và thường xuyên hưởng ứng các chương trình kích cầu, bán hàng khuyến mại, bán hàng với giá ưu đãi do Sở Công Thương thành phố phát động, tổ chức… tạo điều kiện cho người dân có nhiều hơn cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hoạt động kết nối cung cầu hiệu quả, doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác và thuận lợi hơn trong thương mại hóa sản phẩm |
Ông Nguyễn Hà Bắc – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, các doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng đã ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, chú trọng đầu tư chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; người tiêu dùng từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi với hàng hóa sản xuất trong nước mà thay đổi được thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam. Vì vậy, tỷ trọng sử dụng hàng Việt ngày càng được nâng cao, tỷ lệ gắn bó và sử dụng lâu dài hàng Việt cũng dần được cải thiện.
Tuy vậy, theo ông Bắc, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều yếu điểm cần phải được khắc phục như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của hàng hóa sản xuất trong nước còn thấp, sức cạnh tranh không cao, các mặt hàng là thế mạnh cũng bị một lượng lớn hàng nhập khẩu cạnh tranh gay gắt; nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc giá nhập khẩu nên khó khăn trong xây dựng giá thành… Vì vậy, để đứng vững trên “sân nhà”, các doanh nghiệp Việt Nam cần dành sự đầu tư nghiêm túc và đúng mức cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng ưu thế là sản phẩm của người Việt để sản xuất ra những sản phẩm cho người Việt, vì người Việt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.