Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ kết thúc một thập kỷ ổn định giá |
Ngành gạo thực hiện 96% kế hoạch xuất khẩu sau 10 tháng
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 10 xuất khẩu gạo ước đạt 700.000 tấn, trị giá đạt 334 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng 10 tháng đầu năm 2021.
Như vậy, lượng gạo xuất khẩu trung bình 10 tháng năm 2022 là hơn 600.000 tấn/tháng, giá gạo bình quân ước đạt 484 USD/tấn.
Trong cuộc họp báo thường kỳ gần đây, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có thể vượt kế hoạch 6,3- 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.
Đến nay, sau 10 tháng đầu năm 2022, với lượng xuất khẩu ước đạt 6 triệu tấn, ngành gạo đã thực hiện được 93 - 96% kế hoạch xuất khẩu đề ra. Theo đó, trong 2 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 150.000 - 250.000 tấn là ngành hàng này có thể hoàn thành mục tiêu.
Trong khi đó, trung bình mỗi tháng đầu năm, ngành gạo đã xuất khẩu được 600.000 tấn/tháng, do đó, có thể thấy, dự báo xuất khẩu gạo vượt mục tiêu đưa ra là hoàn toàn khả thi với thực tế hiện nay.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đứng đầu thế giới
Theo số liệu Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn.
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.
Các thương nhân cho rằng giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh không có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt. Đồng Baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD, bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm trong tháng 10 giảm nhẹ 2 USD/tấn, từ mức 376 - 384 USD/tấn xuống 374 - 382 USD/tấn. Giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm và chất lượng gạo bị ảnh hưởng bởi mưa lớn.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice, cho biết giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao, hiện gạo 5% tấm đang ở mức 440 - 450 USD/tấn. Nguyên nhân tăng giá là do nhu cầu nhập khẩu quốc tế những tháng cuối năm tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế bởi thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, việc giá gạo Việt cao hơn so với gạo của Thái Lan không phải là lần đầu tiên xảy ra.
"Những năm gần đây, đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện đã dần trở nên bình thường. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng", ông Bình nói.
Theo Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.
Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ 8 tháng năm nay tăng 84,8%, sang thị trường EU tăng 82,2%.
Nhận định về nhu cầu của thị trường xuất khẩu, đại diện công ty Trung An cho biết các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Theo đó, các đơn hàng liên tục được ký mới và gần đây công ty vừa trúng gói thấu xuất khẩu 20.000 tấn gạo sang Hàn Quốc với giá trị hơn 9 triệu USD, dự kiến sẽ xuất khẩu vào đầu năm 2023.
Dự báo thị trường gạo cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng tăng sẽ kéo dài trong thời gian tới. "Mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 12", ông Phan Văn Có chia sẻ.
Theo ông Phạm Thái Bình, nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt.
Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo 100% và đánh thuế gạo trắng 20% cùng với tình hàng khan hiếm lương thực trên thế giới thì đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.