Gần 200.000 tấn trái cây Sơn La được tiêu thụ nửa đầu năm 2024
Theo UBND tỉnh /chu-de/tinh-son-la.topic, hiện nay, toàn tỉnh có 82.026 ha cây ăn quả và cây sơn tra; trong đó trên 63.100 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 379.000 tấn. Diện tích, sản lượng một số cây trồng chính, như: Dâu tây 615 ha, sản lượng đạt 7.358 tấn; trên 12.400 ha mận hậu, sản lượng hơn 81.000 tấn; gần 19.700 ha xoài, sản lượng hơn 70.600 tấn; trên 19.940 ha nhãn, sản lượng 77.000 tấn.
Tính đến hết tháng 6/2024, theo Ban chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La (Ban chỉ đạo 598), 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh được tiêu thụ khoảng 190.000 tấn, giá trị ước đạt gần 2.500 tỷ đồng. Trong đó, một số cây ăn quả đã thu hoạch xong như dâu tây, mận và đang vào vụ thu hoạch chính như xoài, chuối, chanh leo…
Về giá trị cụ thể, dâu tây đạt giá trị hơn 502 tỷ đồng, mận đạt hơn 1.305 tỷ đồng, nhãn đạt hơn 27 tỷ đồng, chuối đạt hơn 127 tỷ đồng và xoài khoảng hơn 434 tỷ đồng. Trổng giá trị xuất khẩu cây ăn quả đạt xấp xỉ 82 tỷ đồng, tương đương hơn 12.000 tấn hoa quả các loại.
Năm nay, nông sản Sơn La được tiêu thụ tại nhiều kênh phân phối trong nước. Cụ thể, trái mận hậu đã được đưa vào chuỗi siêu thị của Saigon Co.op vào tháng 5. Saigon Co.op hỗ trợ tiêu thụ 100 tấn mận hậu Sơn La được thu hoạch từ huyện Mộc Châu, Yên Châu có mặt trên quầy kệ của hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife… với giá ưu đãi tốt nhất trên thị trường kết hợp với các hoạt động dùng thử và trưng bày sản phẩm tại 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra.
Mận hậu Sơn La được bán tại 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra |
Ngoài cây ăn quả, một số nông sản khác của tỉnh cũng có giá trị cao khi xuất khẩu như cà phê đạt 53,9 triệu USD, chè 10,2 triệu USD và các sản phẩm từ sắn đạt giá trị 22,2 triệu USD.
Các tháng tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác theo dõi, phân tích và dự báo thị trường trong và ngoài nước để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, hạn chế rủi ro thị trường. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Chú trọng công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến bảo quản, chế biến. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh đến với các thị trường tiềm năng. Hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Để nâng cao hiệu quả tiêu thụ, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố tập trung bảo vệ vùng canh tác nông sản nguyên liệu, nhất là vùng trồng cây ăn quả. Tiếp tục cấp mới, duy trì các mã số vùng trồng, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản phục vụ chế biến đối với nhà máy, phục vụ tiêu thụ đối với từng đầu mối, thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ đạo giải quyết các vướng mắc vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến liên quan đến chuỗi liên kết, hợp đồng liên kết, cơ chế thanh toán giữa nhà máy với nông dân. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.