Lai Châu: Huyện Mường Tè đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã Phú Thọ: Để cây chè trên đất Thanh Ba thực sự là 'vàng xanh' |
Lai Châu là địa phương có điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi, trong đó có 7/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nên rất thích hợp để trồng chè.
Hiện nay, Lai Châu có trên 10.500 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 58 nghìn tấn/năm. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 7.000 ha, chiếm 67% tổng diện tích.
Cây chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu với giống chè như: Chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Trong đó, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh Lai Châu. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.
Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa (Ảnh: Báo Lai Châu) |
Tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao (ngày 5/11), ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, các công ty, doanh nghiệp và người dân sản xuất chè trong tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Tỉnh Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè như: Hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất và chế biến.
Tuy nhiên, ngành chè Lai Châu còn những hạn chế, yếu kém. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, RA, hữu cơ…) còn ít. Các cơ sở chế biến chè của tỉnh có quy mô nhỏ, các sản phẩm chè chế biến chủ yếu là dạng thô, mẫu mã chưa đa dạng, năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu chè tại các nước Trung Đông và Đài Loan (Trung Quốc), dẫn đến giá thành còn thấp.
Ông Hà Trọng Hải cũng cho biết, trong thời gian tới Lai Châu tập trung phát triển bền vững cây chè theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, nhìn ở mức chung, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới. Thị trường chè Việt Nam được thế giới nhìn nhận là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây.