Doanh nghiệp kỳ vọng vào các buổi trao đổi trực tiếp với Tham tán thương mại
Trước thềm “Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/8, Báo Công Thương đã trao đổi với các Hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu về những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào hội nghị này.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương Vit Nam (VFA): Cơ hội để doanh nghiệp định vị thị trường tốt hơn
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương Vit Nam (VFA) |
Tổ chức hội nghị về công tác phát triển thị trường với các thương vụ hàng năm là chủ trương rất tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nay được tổ chức định kỳ theo tháng càng tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường nhanh hơn, chuẩn xác hơn từ các Tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi cho rằng việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến qua điểm cầu tại 62 cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cơ hội để cho hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về nhiều thị trường mà họ quan tâm. Qua đó kịp thời trao đổi hai chiều trực tiếp những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận khách hàng tới Bộ Công Thương. Đặc biệt, với việc tổ chức liên tục theo từng tháng thì trách nhiệm của các Tham tán, thương vụ sẽ nhiều hơn, từ đó giúp họ đưa ra những cái nhìn tổng quan nhất, mới nhất của các thị trường.
Đối với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ mới tham gia thị trường thì qua hội nghị như vậy họ sẽ tiếp cận thông tin chuẩn xác và định vị lại khách hàng hiệu quả hơn.
Trên phương diện chung, hiện nay các Tham tán thương mại đã làm khá tốt vai trò của họ. Điển hình như vụ việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều tìm lại 100 container bị mất khi đang trên đường giao hàng tới Ý. Do vậy chúng tôi rất kỳ vọng vào Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chiều mai.
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội da giày TP. Hồ Chí Minh: Nắm bắt xu hướng mới nhất của thị trường
Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội da giày TP. Hồ Chí Minh |
Hội nghị phát triển thị trường nước ngoài với sự tham gia của các thương vụ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước mà Bộ Công Thương tổ chức có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực đang diễn biến rất khó lường như hiện nay. Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu sẽ nắm bắt được những thông tin về nhu cầu hàng hoá của các thị trường nước ngoài, cũng như những yêu cầu đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường của họ, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Điển hình như, với ngành da giày, hiện nay các doanh nghiệp đang cần hỗ trợ tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có hiệp định thương mại tự do để tận dụng ưu đãi về thuế. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh hiện nay, mỗi quốc gia đều có những chiến lược mới hậu Covid-19 để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… nhằm ứng phó với những bất ổn của nền kinh tế, nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật các thông tin về chiến lược, yêu cầu mới của các thị trường xuất khẩu.
Do đó, thông qua Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, ngành hàng sẽ sớm có thông tin để xây dựng chính sách, chiến lược xuất khẩu, nhất là với những bạn hàng có đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn chất lượng tại những thị trường khó tính.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Cần thông tin theo từng chủ đề mà doanh nghiệp đang quan tâm
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam |
Tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Công Thương trong thời điểm này. Ở các kỳ giao ban Thương vụ tổ chức trước đây doanh nghiệp thủy sản đã kịp thời nắm bắt thêm thông tin và định hướng thị trường từ các Tham tán, thương vụ. Tuy nhiên so với tổ chức hàng năm thì việc tổ chức thường xuyên và liên tục trong giai đoạn này là hoàn toàn phù hợp nhằm định hướng thông tin thị trường cho doanh nghiệp.
Dù vậy để hội nghị đạt kết quả tốt nhất, chúng tôi cho rằng nên có chủ đề giao ban cụ thể từng tháng hoặc giao ban theo các vấn đề mà ngành hàng xuất khẩu đang quan tâm. Bên cạnh đó cần thông tin trước để các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp nắm được và sẽ đưa ra nội dung kiến nghị hoặc đề xuất phối hợp tốt hơn.
Chẳng hạn với thủy sản, thời gian này chúng tôi đang quan tâm tới thị trường Trung Quốc, EU... Trong đó tại thị trường Trung Quốc đang thay đổi về chính sách, còn EU có xu hướng chậm lại. Do đó chúng tôi mong muốn được Tham tán trình bày rõ nét, thông tin sâu hơn cho doanh nghiệp nắm bắt.
Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam: Nên có cảnh báo sớm về thị trường
Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam |
Với Hiệp hội Điều Việt Nam, chúng tôi đánh giá cao vai trò của các Thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời gian qua, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã làm tốt vai trò của mình trong việc cập nhật thông tin thị trường, việc thực hiện giao ban xúc tiến thương mại với các thương vụ hàng tháng là một chủ trương rất tốt, giúp cập nhật thông tin, những rào cản thị trường một cách nhanh chóng trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Điển hình như vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu điều bị thất lạc trên đường giao hàng mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Ý đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại được các container hàng.
Trước đây, khi chưa có sự việc xỷ ra thì mọi thứ khá bình thường, nhưng khi có việc các doanh nghiệp mới nhận thấy rằng vai trò của các thương vụ là vô cùng quan trọng. Có thể nói, thương vụ là cánh tay nối dài của Bộ Công Thương tại các thị trường trên thế giới, là tai, là mắt của nhà nước cũng như các doanh nghiệp ở nước ngoài.
Thông qua Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, cùng với thông tin thị trường, hiệp hội cũng mong muốn các thương vụ sẽ có thêm những phân tích, đánh giá, dự báo cảnh báo sớm những nguy cơ có thể xảy ra với hoạt động thương mại. Tăng cường thông tin về các đối tác để những doanh nghiệp mới tham gia thị trường có thông tin nhằm giảm thiểu những rủi ro.
Đặc biệt, khi có vấn đề xảy ra với các đối tác thương mại, thương vụ trực tiếp hướng dẫn cho doanh nghiệp về phương thức xử lý.Tuy nhiên, cùng với thương vụ, các hiệp hội, các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài và những doanh nghiệp, đối tác cũng cần phối hợp với các thương vụ để cập nhật thông tin, xử lý các vấn đề.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Cần cập nhật những thông tin thuế quan thay đổi cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Hiện nay không chỉ riêng lĩnh vực xuất khẩu rau quả mà tất cả các lĩnh vực khác đều rất cần thông tin thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. Hiện nay Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó nhiều FTA có những yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, các hàng rào phi thuế quan, nhiều thị trường liên tục đưa ra những quy định mới…
Chính vì vậy, việc thực hiện Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài ở thời điểm này là rất tốt, giúp doanh nghiệp thông tin nhanh, kịp thời, hiệu quả những nhu cầu cũng như sự thay đổi từ các thị trường. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp nắm thông tin, đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường như trước đây.
Ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai: Thể hiện cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai |
Hoạt động của các thương vụ thời gian qua đã có mang lại những kết quả thiết thực, hỗ trợ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Đặc biệt thông qua các thương vụ ở nước ngoài cũng đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ khi có các tranh chấp thương mại, giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thực hiện tốt các hoạt động phòng vệ thương mại trong bối cảnh mà Việt Nam thực thi hàng loạt các FTA.
Với Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc hội của chúng tôi đánh giá rất cao, bởi sự kiện này thể hiện sự cam kết trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp của Bộ Công Thương, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua những rào cản, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Kỳ vọng nhiều vào thông tin thị trường từ thương vụ
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh |
Thời gian qua các Thương vụ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại. Qua đó kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời giúp doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Để sự phối hợp giữa Thương vụ và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương được hiệu quả, việc thực hiện giao ban hàng tháng với các Thương vụ là sáng kiến rất thiết thực của Bộ Công Thương sát cánh hỗ trợ các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, với Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức ngày mai, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo cầu nối thông tin nhanh và chuẩn xác nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Cần tạo đột phá hơn trong tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam |
Các Tham tán thương mại đang làm rất tốt vai trò của mình. Cụ thể Hiệp hội Dệt may vừa tham dự hội chợ tại Las Vegas và Pháp… Trong những hội chợ này các Tham tán thương mại đều có mặt để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin cũng như trả lời những thắc mắc mà doanh nghiệp đưa ra.
Đặc biệt, các Tham tán, Thương vụ cũng rất tâm huyết trong hỗ trợ doanh nghiệp. Điển hình như Tham tán tại Mỹ thường xuyên có những bài đánh giá về thị trường dệt may cũng như các ngành khác và thông tin qua các hiệp hội để doanh nghiệp nắm bắt. Đây là việc làm mới và rất tốt so vớ trước đây.
Từ đó chúng tôi rất kỳ vọng Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức sẽ phát huy được hơn nữa vai trò của cơ Tham tán và thương vụ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới Bộ Công Thương nên vạch ra vai trò, nhiệm vụ của các Tham tán thương mại một cách cụ thể hơn nữa, để thường xuyên cung cấp thông tin cho các ngành, lĩnh vực thông qua đầu mối là hiệp hội hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Đồng thời, đưa ra những chính sách thương mại hoặc những bất cập của các nước nhập khẩu và Tham tán thương mại phải cập nhật kịp thời hơn nữa đến doanh nghiệp trong nước; hoặc khi doanh nghiệp có thắc mắc đối với khách hàng trong vấn đề xúc tiến xuất khẩu thì các Thương vụ phải tìm hiểu để trả lời…
Một vấn đề quan trọng nữa là phải xây dựng nền tảng, tạo ra điểm đột phá hơn trong công tác tiếp cận thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dệt may đi sâu vào hệ thống phân phối ở các nước. Từ đó giải quyết được mấu chốt để doanh nghiệp bán hàng trực tiếp mà không cần qua trung gian.