Thứ hai 23/12/2024 06:44

Điện hạt nhân: Lợi ích kinh tế và vai trò với môi trường

Điện hạt nhân không chỉ là nguồn điện nền quan trọng mà còn góp phần giảm thiểu tác động đối với môi trường.

Nhằm thông tin đến bạn đọc về việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, Báo Công Thương tổng hợp một vài tư liệu của các nhà nghiên cứu liên quan đến vấn đề này.

Những vấn đề được quan tâm

Theo thống kê, năm 2020 dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc vẫn đạt 216,83 tỷ kWh, tăng 2,53 lần so với năm 2010 (85,6 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 là 9,7%/năm.

Dự báo, giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam vẫn ở mức cao từ trên 8% hàng năm theo phương án cơ sở. Điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Trong khi đó, quy mô hệ thống điện Việt Nam tuy lớn nhất nhì Đông Nam Á nhưng tính ổn định bền vững chưa cao. Nguồn thuỷ điện cơ bản đã khai thác hết, nhiệt điện than không có cơ hội phát triển thêm, tỷ trọng ngày càng giảm do yếu tố môi trường, nguồn năng lượng tái tạo gặp khó khăn vì tính ổn định không cao, khó huy động vào ban đêm; các nguồn điện khí, điện dầu đều có giá thành cao, phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.

Điện hạt nhân: Lợi ích kinh tế và vai trò với môi trường

Để phát triển ngành năng lượng nói chung, ngành điện nói riêng một cách bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều tham mưu tư vấn cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chiến lược liên quan đến năng lượng quốc gia.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV diễn ra vào chiều ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu ý kiến cần giữ lại địa điểm quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chờ các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Và ông cho rằng, Việt Nam cần tính tới chuyện phát triển điện hạt nhân trong tương lai vì nhiều lý do cả về kinh tế lẫn môi trường.

Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua, các quốc gia cam kết về việc phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió). Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo này nhất thiết phải có một nguồn điện nền ổn định.

“Điện nền hiện nay chỉ có nhiệt điện than hoặc thuỷ điện. Nhưng điện than chúng ta đã không còn điều kiện để phát triển và thủy điện cũng đã hết dư địa. Trong khi đó, chúng ta cần phải thực hiện những gì đã cam kết ở COP26 và phát triển điện hạt nhân cũng là xu hướng tất yếu các quốc gia trên thế giới đang thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến.

Theo quan sát thực tế, tại Việt Nam, có 2 vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất khi nói đến phát triển nguồn điện đó là giá điện và những ảnh hưởng đến môi trường.

Mặc dù Chính phủ có quan điểm giá điện phải theo cơ chế thị trường (tính đúng, tính đủ giá nhiên liệu đầu vào và chi phí sản xuất) song gắn thêm yếu tố phải có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội. Điều này đã gây không ít khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào ngành điện.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cùng những cuộc xung đột địa chính trị đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở nhiều quốc gia trên thế giới, cùng những cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là những vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm nhiều nhất.

Do năng lượng, đặc biệt là điện năng có vai trò cực kỳ lớn đối với nền kinh tế - xã hội nên không có quốc gia nào muốn phụ thuộc năng lượng từ bên ngoài và đều muốn phát triển hệ thống năng lượng bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Câu hỏi đặt ra là điện hạt nhân có nguy hiểm không? Ông Jean-Marc Jancovici - một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Năng lượng và Khí hậu tại Pháp nêu thống kê. Theo ghi nhận của Liên Hợp Quốc, tai nạn hạt nhân lớn nhất lịch sử được ghi nhận ở Chernobyl (Ukraina). Theo ước tính của Jancovici, con số tử vong trực tiếp và gián tiếp ở Chernobyl rơi vào khoảng vài ngàn người. Trong khi đó, tai nạn thủy điện lớn nhất lịch sử được ghi nhận ở Trung Quốc vào những năm 1970, khiến 20.000 đến 100.000 người chết. Tại châu Âu, đập Vajont-Longarone tại Italia bị vỡ năm 1963 giết chết 2.000 người và phá hủy nhiều làng mạc.

Hay câu hỏi, sản xuất điện hạt nhân kéo theo rác thải phóng xạ cần xử lý? Điều này đúng, nhưng cần phải nói rằng: Rác thải luôn có mặt ở mọi dây chuyền công nghệ sản xuất điện, không có nguồn năng lượng nào mà không tạo ra rác thải.

Sản xuất điện hạt nhân cần một lượng Uranium rất nhỏ, chính vì vậy số lượng rác thải cũng hạn chế. Rác thải hạt nhân có chứa chất phóng xạ, cần được xử lý một cách thận trọng, an toàn. Điều đó đúng và trên thực tế, nếu xử lý tốt, rác thải hạt nhân còn ít gây thiệt hại cho môi trường hơn nhiệt điện sử dụng năng lượng hóa thạch hòa tan vào không khí sau khi cháy, hay các dạng năng lượng sạch (gió, mặt trời) đòi hỏi cả một dây chuyền sản xuất công nghiệp và lắp đặt.

Nghiên cứu của các nhà khoa học về đầu tư, tuổi thọ của điện hạt nhân với các loại hình nguồn điện khác nhau

Vì sao điện hạt nhân được nhiều quốc gia lựa chọn

Mặc dù trong hơn 70 năm hình thành và phát triển, điện hạt nhân cũng có những thăng trầm nhất định vì những sự cố đáng tiếc, nguyên nhân chủ yếu của sự cố là yếu tố chủ quan của con người trong quá trình vận hành (không tuân thủ nguyên tắc, quy trình) và do tác động của thiên nhiên nhưng nhiều quốc gia vẫn duy trì và phát triển điện hạt nhân song song với các nguồn năng lượng khác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững.

Lý do đơn giản, điện hạt nhân có nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn yếu tố môi trường.

Thống kê của chuyên gia Lã Hồng Kỳ và Đỗ Minh Ngọc – Hội đồng phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, tính đến cuối năm 2018 có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng nhà máy ĐHN, tổng số có 450 lò phản ứng ĐHN đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 396.902 MW. Trong đó, Mỹ đứng đầu trên thế giới với 98 lò phản ứng với tổng công suất 99.061 MW, tiếp theo là Pháp, Trung Quốc, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada... và 55 lò phản ứng đang xây dựng với tổng công suất 56.643 MW.

Như đã đề cập, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến điện hạt nhân nhiều hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, do các yêu cầu khắt khe về an toàn (các loại công nghệ khác nhau) nên suất đầu tư ban đầu cho nhà máy điện hạt nhân thường rất cao. Tuy nhiên do công suất lớn và ổn định, nhiên liệu giá rẻ, hệ số phụ tải cao (gần 90%), thời gian vận hành rất dài (50-60 năm, có thể gia hạn thêm), chiếm ít đất... Nếu tính cho cả vòng đời dự án, giá thành điện hạt nhân vẫn có sức cạnh tranh với nhiệt điện than nhập, nhiệt điện khí hoá lỏng.

Bên cạnh đó, nếu Việt Nam tiếp tục phát triển điện hạt nhân cũng sẽ có nhiều thuận lợi bởi lẽ ngoài kinh nghiệm quản lý vận hành lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, các bước triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong nhiều năm, Việt Nam còn có tiềm năng về nguồn urani với trữ lượng khoảng 200 ngàn tấn U3O8, trong đó cấp C1: 113 tấn; cấp C2: 16.000 tấn.

Đặc biệt một trong những lợi ích khác đó là ít phát thải khí nhà kính nhất và có thể sẽ trở thành nguồn điện quan trọng giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các phản ứng hạt nhân giải phóng một nguồn năng lượng rất lớn chỉ từ một lượng Uranium rất nhỏ. Cụ thể, năng lượng giải phóng từ 1 gam Uranium được cho là tương đương với việc đốt 1 tấn dầu và lượng khí thải CO2 trên 1 đơn vị kWh tính cho cả một chu kỳ sản xuất điện hạt nhân chỉ có 6 gam. Con số phát thải CO2 này ở điện gió (tính cả xây dựng và lắp đặt) là 10 gam/kWh; điện mặt trời (tính cả sản xuất và lắp đặt) là 50 gam/kWh; trong các nhà máy nhiệt điện khí hiện đại nhất là 400 gam/kWh; nhiệt điện than thải 800 gam CO2 để sản xuất ra 1 kWh đối với các nhà máy hiện tại, còn với các nhà máy được trang bị ở mức trung bình, con số lên tới 1.000 gam/kWh.

Số liệu công bố, ở châu Âu cho thấy, điện hạt nhân đóng góp 50% sản lượng điện trong các nguồn điện sạch. Theo cam kết của Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu sẽ đưa phát thải carbon về zero vào năm 2050, Trung Quốc vào năm 2060 và điện hạt nhân giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của các nước này.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh phát triển hiệu quả các nguồn điện hiện tại thì đề xuất phát triển điện hạt nhân của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cần được xem xét thấu đáo vì nó có thể giải quyết được nhiều vấn đề nêu trên.

Nguyên Vũ
Bài viết cùng chủ đề: Điện hạt nhân

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi năng lượng

Quy định mới về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Growatt được vinh danh trong Top 30 thương hiệu toàn cầu hóa của Forbes Trung Quốc năm 2024

Bộ Công Thương kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương triển khai các Nghị định thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội thảo quốc tế "Giới thiệu Dự án đào tạo về điện gió".

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Growatt ra mắt biến tần hybrid mới cho ứng dụng lưu trữ trong thương mại quy mô vừa và nhỏ

Điện gió toàn cầu dự kiến sẽ đạt thị phần kỷ lục trên thị trường điện

Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới

Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng ngành năng lượng tái tạo

Tranh cãi việc Hoa Kỳ cho khai thác nhiệt lòng đất để sản xuất điện sạch

Trung Quốc 'phá kỷ lục' thế giới với tuabin gió khổng lồ dài 260m trên biển

Công nghệ điện gió mới rẻ hơn nhờ quỹ đầu tư của Bill Gates

Ấn Độ tham vọng thành cường quốc công nghệ sạch toàn cầu vào 2030

Bạc Liêu: Mong sớm sửa đổi Luật Điện lực, tháo gỡ khó khăn cho điện gió

'Kỷ nguyên điện' mới sẽ xuất hiện khi nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh