Bước tiến vượt bậc của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam Chuyên gia quốc tế: Việt Nam - điểm sáng về điện mặt trời |
Như Báo Công Thương đã đưa tin, ngày 3/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Trong đó có chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Theo đó, từ 3/3/2025, điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình có công suất nhỏ hơn 100kW được bán điện dư vào hệ thống điện.
![]() |
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự dùng được bán điện dư không quá 20% |
Đối tượng được bán sản lượng điện dư
- Nguồn điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất phát triển trong quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh;
- Nguồn điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình nhà ở riêng lẻ có công suất nhỏ hơn 100 kW đấu nối vào lưới điện của bên mua điện dư;
- Nguồn điện mặt trời mái nhà của tổ chức, cá nhân lắp đặt trên mái công trình xây dựng tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có lưới điện nhưng chưa đấu nối, liên kết với hệ thống điện quốc gia.
Lưu ý: Nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt tại công trình là tài sản công thì không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.
Sản lượng điện và giá bán
Sản lượng điện dư bán cho bên mua không vượt quá 20% sản lượng điện phát tại đầu ra của nguồn điện mặt trời mái nhà theo cường độ bức xạ (được xác định tại đầu ra của bộ chuyển đổi nghịch lưu, bao gồm cả sản lượng điện lưu trữ tại hệ thống lưu trữ điện, nếu có).
Việc thanh toán tiền mua sản lượng điện dư hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa Bên bán điện dư và Bên mua điện dư trong 2 trường hợp: Nếu sản lượng điện dư lớn hơn 20% thì chỉ thanh toán bằng 20%. Nhỏ hơn 20% thì được thanh toán toàn bộ lượng điện năng phát lên lưới điện được đo đếm tại công tơ.
Giá mua bán sản lượng điện dư là giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện công bố nhưng không cao hơn mức giá tối đa của khung giá điện mặt trời mặt đất.
Đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo chưa được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia không giới hạn sản lượng điện dư mua của tổ chức, cá nhân bán điện dư. Sản lượng điện dư được thanh toán là toàn bộ lượng điện năng phát lên lưới điện của Bên mua điện dư được đo đếm tại công tơ. Kể từ thời điểm khu vực này được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia, việc xác định, thanh toán sản lượng điện dư thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
Tổ chức, cá nhân bán sản lượng điện dư phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp được miễn giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.
Hồ sơ, thủ tục mua bán điện dư
Để thực hiện mua bán điện dư, tổ chức, cá nhân cần phải gửi hồ sơ 4 loại văn bản gồm: (1) đơn đề nghị bán điện; (2) bản sao tài liệu kỹ thuật, chứng nhận xuất xứ hàng hoá, chứng nhận chất lượng của tấm quang điện, công suất bộ biến đổi điện từ 1 chiều sang xoay chiều, tổng công suất tấm quang điện (kWp), các thiết bị cấu thành khác; (3) bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phát triển (nếu có); (4) bản sao tài liệu liên quan trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định, gồm: Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo pháp luật về xây dựng; các văn bản chấp thuận nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ. Sau đó các bên ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện, đưa nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ vào sử dụng; thời hạn Bên mua điện dư ký hợp đồng là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của Bên bán điện dư.
Thời hạn của hợp đồng mua bán điện là 05 năm kể từ ngày nguồn điện mặt trời tự sản xuất tự tiêu thụ được nghiệm thu theo Điều 23 Nghị định 58 và tổ chức, cá nhân bán điện dư cung cấp đủ hồ sơ quy định như trên. Sau thời gian này, việc gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới thực hiện theo quy định pháp luật.
Bên mua điện dư là công ty con, hoặc đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nghị định số 58/2025/NĐ-CP có 5 chương 40 điều, có hiệu lực từ ngày 03/3/2025. Nghị định này cũng bãi bỏ Nghị định 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 củ Chính phủ quy định cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Công Thương để nghiên cứu, tham mưu đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung phù hợp. |