Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU năm 2023: Định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng
Ngày 27/11, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU năm 2023 - “Phát triển bền vững - Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai”.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phát biểu tại Diễn đàn |
Thông tin tại sự kiện, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (năm 2022 - theo Eurostat).
Thời gian qua, bất chấp khó khăn về thị trường, chuỗi cung ứng, /chu-de/giao-thuong-quoc-te.topic và kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, trao đổi thương mại Việt Nam - EU vẫn ghi nhận kết quả tăng trưởng hết sức tích cực, với vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA.
Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 46,82 tỷ USD, tăng tới 16,7%, với 10 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết thị trường trong khối EU đều tăng rất mạnh; nhiều thị trường đạt mức tăng 2 con số như Ireland (tăng 45,9%), Đan Mạch (tăng 40,0%); Hà Lan (tăng 35,8%); Đức (tăng 23,1%).
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Bước sang năm 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này. Tuy nhiên sự suy giảm này được nhận định là tạm thời và đang có dấu hiệu cải thiện khi đà giảm đã chậm lại đáng kể khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU dự báo có thể phục hồi kể từ quý IV/2023.
“Rõ ràng, Hiệp định EVFTA đã phát huy tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Kể từ sau EVFTA đi vào hiệu lực, chúng ta cũng chứng kiến sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu thị trường khi không chỉ ở các nước như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp, mà dần mở rộng sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách tại Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Điển hình như Ba Lan, Thụy Điển, Séc, Slovenia,Ireland, Đan Mạch, Rumani... Đồng thời, cơ cấu chủng loại mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU cũng ngày càng đa dạng; không chỉ tập trung vào các mặt hàng chủ lực như điện thoại, giày dép, dệt may mà còn đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản sang EU”- ông Linh nhận định.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác EU trên nền tảng vững chắc của quan hệ đối tác toàn diện và ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA. Bởi lẽ EVFTA tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore.
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham |
Trao đổi quan điểm tại diễn đàn, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp châu Âu, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham, cùng các đại diện Airbus, Les Vergers Du Mekong đánh giá cao lợi thế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực, đồng thời bày tỏ nhiều kỳ vọng từ thị trường.
Diễn đàn đã tập trung định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng với các đối tác EU, đi sâu khai thác khía cạnh “bền vững” trong quan hệ song phương |
Bên cạnh đó, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng phân tích không ít hạn chế, thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường các quy chuẩn thương mại xanh, bền vững. Hàng loạt các quy định đáng lưu ý như: Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD)... được nhận định sẽ tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU, từ các mặt hàng công nghiệp đến nông nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, việc đáp ứng yêu cầu về tính bền vững, tính “trách nhiệm” cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, giúp khai thác hiệu quả hơn lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm.
Các đại diện doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Cổ phần sữa Vinamilk, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã tích cực chia sẻ bài học kinh nghiệm, thực tiễn thích ứng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn mới và lộ trình phát triển gắn với tiêu chí xanh, bền vững, tuần hoàn. Đây cũng là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Theo đó, các giải pháp xanh hóa sản xuất, thực hiện các trách nhiệm môi trường, xã hội cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.