Thứ năm 05/12/2024 02:19

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Khẳng định sự vươn mình của hàng Việt

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai 15 năm, mang lại hiệu quả tích cực trong việc khẳng định sự vươn mình của hàng Việt.

TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế (Ảnh: Cấn Dũng)

Là một người đã đồng hành với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong suốt 15 năm qua, từ chỗ người Việt còn có tâm lý sính hàng ngoại vào giai đoạn đầu Cuộc vận động triển khai (năm 2009), ông ấn tượng gì về sự “vươn mình”, phát triển của hàng Việt trên thị trường hiện nay?

TS.Nguyễn Minh Phong: Câu hỏi này rất hay và làm cho tôi nhớ lại buổi họp đầu tiên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc triển khai mà tôi được tham gia. Tôi đánh giá cao cuộc họp đầu tiên đó và bây giờ, tôi thấy rất ấn tượng với những thành tựu mà Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt được. 15 năm qua, tôi cho rằng Cuộc vận động đã được thực hiện triển khai một cách bài bản, nhất quán cũng như thể hiện vai trò rất tích cực của Bộ Công Thương. Đây cũng là nguyên nhân giúp chúng ta đạt được thành tựu ấn tượng.

Một số con số thể hiện sự vươn mình của hàng Việt, thứ nhất là giai đoạn đầu tiên, hàng Việt Nam chỉ chiếm 20% kệ siêu thị, nay đã lên đến 80%, đặc biệt vào dịp Lễ Tết còn lên đến 90%. Đây là sự đảo ngược ấn tượng, lên đến hơn 4 lần, cho thấy sự vươn mình của hàng Việt. Đồng thời, đây cũng là con số ý nghĩa vì đưa hàng lên siêu thị là khó nhất. Còn tại kênh truyền thống thì hàng Việt đang chiếm 60-70%. Rõ ràng đây là minh chứng khẳng định vị trí hàng Việt tại kênh phân phối cũng như trong xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Thứ hai là hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn trong chuỗi đầu vào của doanh nghiệp FDI. Nếu thời kỳ đầu tiên, chỉ có 12% doanh nghiệp FDI khi được khảo sát nói rằng có dùng hàng Việt cho đầu vào của mình thì hiện nay, con số này là hơn 60%, gấp 5 lần, là con số ấn tượng, giúp chúng ta định hình chuỗi cung ứng cũng như khẳng định vai trò và khả năng của hàng Việt trong tham gia chuỗi cung ứng trên thế giới.

Thứ ba là Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã giúp tỷ trọng tổng thị trường trong nước, bán lẻ tiêu dùng tăng trên dưới 10% trong vài năm gần đây, giúp thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự” quan trọng cho tăng trưởng, cải thiện cơ cấu kinh tế, cải thiện tổng thu ngân sách, đặc biệt là khẳng định niềm tự hào của người Việt khi sử dụng hàng Việt.

Với bản thân tôi, tôi sẵn sàng mua hàng Việt, khi xét về cả mẫu mã, chất lượng, giá cả, sự tiện dụng và hậu mãi, hàng Việt đang khẳng định sự tiến bộ.

Hơn nữa, rất nhiều thương hiệu Việt đã có sự vươn mình ra thế giới. Ví dụ, theo Báo cáo Thực phẩm và Đồ uống Toàn cầu năm 2023 do Brand Finance công bố mới đây, Vinamilk là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu.

Hoặc Viettel là thương hiệu đứng thứ nhất của Việt Nam, Đông Nam Á và là thương hiệu viễn thông được rất nhiều quốc gia trên thế giới tin tưởng sử dụng

Chính sự phát triển của thương hiệu hàng Việt đã chinh phục, thuyết phục sự tin cậy của người Việt. Nếu như trước đây, nhiều thương hiệu sử dụng thương hiệu nước ngoài để xây dựng hình ảnh nhưng hiện nay đã sử dụng thương hiệu Việt để sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Đây là điều quan trọng, đi đúng hướng, cho thấy hàng Việt ngày càng khẳng định vị thế tại nước ngoài. Đây cũng là nỗ lực của rất nhiều bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương.

Doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho sản xuất hàng nội địa (Ảnh: May 10)

Cuộc vận động Người Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn các giải phẩm tinh hoa hàng Việt Nam tìm cách chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở cả thị trường trong và ngoài nước, ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm?

TS.Nguyễn Minh Phong: Thời gian qua, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển mình về nhận thức khi cho rằng thị trường trong nước quan trọng hơn nước ngoài. Đây là một nhận thức mà nghe thì tưởng như nghịch lý khi chúng ta có suy nghĩ hàng nhập khẩu lúc nào cũng tốt hơn hàng trong nước. Nhưng hiện nay, có sự thay đổi nhận thức mà chúng tôi cho là có lý.

Bởi lẽ trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đã có sự xoá mờ khoảng cách giữa người tiêu dùng trong nước và thế giới, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay 70% dân số là dân số trẻ, có nhu cầu rất cao và bắt kịp xu hướng rất tốt.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp cho rằng cần làm hàng trong nước tốt hơn nước ngoài có lý ở chỗ thị trường nước ngoài đặt hàng trong nước thì chỉ cần đáp ứng đơn hàng là xong. Khi chúng có đơn hàng thì phải thuyết phục thị trường và phải định hướng thị trường bằng chất lượng sản phẩm của mình. Cho nên công tác nghiện cứu thị trường, sản xuất hàng trong nước tốt hơn hàng nước ngoài là có lý do.

Lời khuyên của tôi là doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước, lập bộ phận nghiên cứu thị trường là những người giỏi nhất, đầu tư cho thiết kế mẫu mã, đưa dây chuyền tốt nhất vào sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng nhất để chinh phục thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, phải xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi phân phối trong nước theo hướng tự mình xây dựng hoặc liên kết với nhau để hình thành chuỗi, khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước, tạo ra chuỗi cung ứng rẻ nhất và tiện lợi nhất. Song song với đó, tiếp thị một cách khéo léo để không chỉ dáp ứng thị trường mà còn định hướng thị trường thông qua các thông điệp, các câu chuyện...

Ví dụ việc này ta có thể học tập từ Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đưa sản phẩm vào thị trường bắt đầu từ sự định hình văn hoá, từ các bộ phim, các cuộc triển lãm… tạo xu hướng sử dụng từ những diễn viên, ca sĩ, những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn rồi tiến đến định hướng xu hướng tiêu dùng.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất cần phải đầu tư, phối hợp đơn vị phân phối hình thành xu hướng tiêu dùng cho hàng Việt. Đặc biệt nên xây dựng các hiệp hội hàng Việt, chung tay định hình thị trường.

Tiếp nữa, nên thực hiện các hoạt động cải tiến công nghệ, bán hàng chất lượng đi kèm dịch vụ hậu mãi tốt. Các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý xây dựng sàn thương mại điện tử cho từng mặt hàng để không chỉ phục vụ trong nước mà còn đưa hàng ra nước ngoài.

Tôi cho rằng, khi có sự phối hợp giữa “bàn tay” Nhà nước, kết hợp với “bàn tay” doanh nghiệp và “bàn tay” xã hội thì sẽ tạo lợi thế cho chúng ta trên thị trường.

TS.Nguyễn Minh Phong: Riêng với các cơ quan quản lý nhà nước, trước sự bùng nổ cạnh tranh hàng Việt ở cả trực tiếp và trực tuyến, ở cả hàng nhập khẩu và hàng từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên quốc gia, theo ông, các chính sách đối với hàng Việt cần phải có sự thay đổi như thế nào để nối dài hiệu quả của Cuộc vận động trong thời gian tới?

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai và tôi cho rằng nên giữ nguyên tinh thần đó, đồng thời gắn kết với chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bắt đầu từ năm 2025, theo tôi, nên chuyển tên chương trình là Thương hiệu Việt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ đó khẳng định bản lĩnh, nền kinh tế tự chủ của Việt Nam, khẳng định thương hiệu. Năm 2018, ta đã có 11/1000 thương hiệu tốt nhất Châu Á, nay phải nâng lên hàng trăm thương hiệu Việt tốt nhất châu Á. Cho nên Cuộc vận động cần nâng cấp để tương xứng với cái gọi là kỷ nguyên vươn mình. Phải thay đổi trong tư duy, quán triệt tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm để triển khai Cuộc vận động.

Song song với đó, đưa ra các chương trình phối hợp từ quốc gia, đến địa phương, đến các hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng bằng được các thương hiệu lớn, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đồng thời, có chính sách bảo vệ thương hiệu Việt bằng cách ngăn chặn hàng lậu, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận xuất xứ; xây dựng hàng rào kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng Việt, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường quốc tế. Cộng với cơ chế tài chính, thị trường, quảng bá thương hiệu, xử lý tranh chấp sẽ tạo ra hệ thống đồng bộ nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt.

Với thành tựu hiện có, với sự nâng cấp nhận thức, chúng tôi tin rằng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ thu được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan thực hiện
Bài viết cùng chủ đề: Hàng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Công nghệ nào cho Việt Nam?

TS. Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) khơi thông các điểm nghẽn để phát triển bền vững

Bộ Công Thương phát triển nhân lực số để chuyển đổi số hiệu quả

Để văn hóa không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nguồn lực kinh tế vô tận

Từ vận động đến tự hào sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Cổng FTAP: Cung cấp thông tin FTA hữu ích tới cộng đồng doanh nghiệp

Tái khởi động điện hạt nhân: Quyết sách chiến lược vì tương lai năng lượng Việt Nam

Vượt qua rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

Thúc đẩy tài chính xanh: Việt Nam trên hành trình phát triển bền vững

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để 'khơi dòng' tài chính xanh

'Bệ phóng' tài chính xanh: Đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững

Phát triển tài chính xanh từ thay đổi nhận thức của người tiêu dùng

Hà Nội: Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giúp ‘kết nối’ sản phẩm DRC đến nhiều doanh nghiệp

Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi FTA

Ổn định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh