Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - xung quanh vấn đề này.
Trong kỷ nguyên mới rất cần xem xét lại quản trị mới
- Thưa ông, chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, mở rộng chính quyền cấp xã được đưa ra tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị được nhận định đây không chỉ là phép toán cộng về quy mô mà kiến tạo một cuộc cách mạng về chất trong hệ thống chính trị, mở đường cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Trước hết, phải khẳng định việc điều chỉnh, sáp nhập, mở rộng tỉnh là quá trình không lạ so với quá trình phát triển của Việt Nam. Cứ mỗi một giai đoạn mới, thì chúng ta đều có xem xét, điều chỉnh lại đơn vị hành chính. Có lúc là 38, sau nâng lên 53, 61, 64 và hiện còn 63 tỉnh, thành phố. Việc điều chỉnh, sắp xếp lại cấp tỉnh là cần xem xét trong mỗi thời kỳ, nhưng đây là vấn đề lớn.
![]() |
Sáp nhập tỉnh: Kiến tạo không gian phát triển mới. Ảnh minh họa |
Rõ ràng, trong kỷ nguyên mới này rất cần xem xét lại quản trị mới. Bên cạnh việc bỏ cấp huyện, mở rộng chính quyền cấp xã thì sáp nhập tỉnh là cần thiết. Nhưng để thực hiện được việc đổi mới, sáp nhập tỉnh, cần xem xét đồng bộ các tiêu chí, dựa trên cơ sở pháp lý, xin ý kiến người dân và tham vấn ý kiến của các nhà khoa học để gắn kết với hội nhập.
Bên cạnh đó, việc rà soát và rút ra bài học kinh nghiệm từ những lần sáp nhập trước để có sự sáng tạo, đề xuất đổi mới tiêu chí, đưa ra phương án sáp nhập tối ưu nhất, để thích ứng với hoàn cảnh mới, thời điểm mới, vận mệnh mới của đất nước.
- Sáp nhập tỉnh, những yếu tố cần quan tâm nhất lúc này là gì, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Có một số vấn đề cần phải quan tâm trong sáp nhập tỉnh, đó là căn cứ pháp lý, đồng bộ các tiêu chí và phải được nhân dân ủng hộ.
Về căn cứ pháp lý, Hiến pháp là điều đầu tiên mà chúng ta cần nhắc đến. Việt Nam có các thời kỳ điều chỉnh Hiến pháp như năm 1946, 1959, 1980, 1992 và gần đây nhất là Hiến pháp 2013. Tại Việt Nam, việc phân chia quốc gia ra gồm có các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được duy trì ổn định trong 6 lần Hiến pháp.
Sau Hiến pháp 2013, ngày 25/5/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
Trong quá trình sửa Hiến pháp, chúng ta luôn luôn có sự sáng tạo về tổ chức hành chính. Cụ thể đó là từ năm 2013, chúng ta có thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (thường được gọi ngắn là thành phố thuộc thành phố). Trước đó, theo Hiến pháp năm 1992, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ gồm ba loại hình đơn vị hành chính cấp huyện là quận, huyện và thị xã.
![]() |
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh |
Trở lại vấn đề sáp nhập tỉnh, cơ sở pháp lý quan trọng nhất, cao nhất là Hiến pháp. Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Khoản 2 Điều 110 quy định: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định".
Như vậy, có thể khẳng định, Hiến pháp 2013 cho phép chúng ta nhập, chia tách địa giới hành chính, nhưng phải theo trình tự, thủ tục do luật định và phải lấy ý kiến người dân địa phương.
Căn cứ thứ hai trong việc triển khai sáp nhập tỉnh đó là các tiêu chí mà Quốc hội đã thông qua. Nếu chúng ta muốn thay đổi các tiêu chí trong lần sáp nhập này mà không tuân thủ theo các quy định cụ thể mà Quốc hội đã quy định thì Quốc hội phải thay đổi tiêu chí.
Đối với các đơn vị hành chính hiện nay, chúng ta có 3 tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, đó là tiêu chí về dân số. Quốc hội quy định dân số tùy theo vị thế của khu vực đó trên quốc gia. Tại đây, nhà nước chia ra vùng đồng bằng; vùng núi và vùng cao. Theo đó, cấp tỉnh thì dân số ít nhất 1,4 triệu người trở lên; vùng núi, vùng cao khoảng 0,9 triệu người trở lên. Thứ hai, đó là tiêu chí về diện tích tự nhiên, theo đó, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000km2 trở lên; tỉnh khu vực khác từ 5.000km2 trở lên. Thứ ba, đó là số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 11 đơn vị trở lên, trong đó, có ít nhất 1 thành phố hoặc 1 thị xã.
Như vậy, cần dựa trên các tiêu chí này. Riêng với tiêu chí về số đơn vị hành chính, cần căn cứ trên kết quả triển khai việc bỏ cấp huyện và sắp xếp xã tới đây. Nếu sáp nhập tỉnh mà không tuân thủ tiêu chí hiện hành, Quốc hội sẽ phải thay đổi tiêu chí cho phù hợp.
Tạo ra những cơ hội mới
- Việc sáp nhập tỉnh là không mới, vậy ở thời điểm này, khi sáp nhập tỉnh cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Thứ nhất, cần nhìn nhận đến tốc độ đô thị hóa. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng nhưng tỷ lệ đô thị hóa vẫn khá thấp. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt con số 65 - 67% đô thị hóa, như vậy, phần còn lại vẫn là nông thôn. Nếu chúng ta vẫn còn nông thôn, phải có thị xã, thị trấn. Thị xã, thị trấn cũng sẽ có tiêu chí riêng. Do đó, việc sáp nhập tỉnh cần phải xem xét đến yếu tố đô thị hóa.
Thứ hai, cần xem xét đến việc thành lập các thành phố trực thuộc Trung ương. Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam có 6 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ và thành phố Huế. Hiện, nhiều tỉnh cũng mong muốn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chứ không phải tỉnh rộng lớn nữa. Vậy những yếu tố địa giới, dân số phải tính toán lại và tạo điều kiện để các tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Có như vậy mới xứng tầm với các nước trên thế giới.
Thứ ba, đó là phát triển kinh tế vùng. Hiện, nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là 6 vùng chiến lược trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã thông qua.
Mặc dù đây vẫn là thời kỳ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XIII, nhưng nếu Đại hội XIV năm 2026 đặt ra các vùng phát triển kinh tế - xã hội khác, chúng ta sẽ phải tiếp cận để có được việc sáp nhập cho hợp lý. Đây là việc rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Bởi hiện nay, có những tỉnh kinh tế phát triển rất mạnh nhưng cũng có những tỉnh kinh tế phát triển yếu. Nguyên tắc của quốc gia là phát triển trên cơ sở phát triển đồng đều các vùng, và trong từng vùng cũng phải phát triển đồng đều với nhau. Do đó, sáp nhập tỉnh, chúng ta phải xem xét để nghiên cứu cho phù hợp.
Thứ tư, đó là đổi mới quản trị quốc gia. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Đại hội XIII thông qua đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó, có 1 nhiệm vụ quan trọng đó là “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”. Đây là đổi mới quản trị chứ không phải quản lý. Vậy sắp tới, việc đổi mới quản trị quốc gia như thế nào, đây là vấn đề cần phải quan tâm đến.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong số này, có nói đến các vấn đề về thể chế, nhân lực, biến đổi khí hậu, xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… và đặc biệt là có phát triển kinh tế vùng. Vậy trong việc sắp xếp đơn vị hành chính này, chúng ta phải chú trọng tới phát triển kinh tế vùng.
Thứ năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định nhiệm vụ phải “tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả”.
Vừa qua, chúng ta đổi mới cơ cấu tổ chức cấp Trung ương, nhiều cán bộ xin nghỉ hưu. Tới đây, khi sáp nhập tỉnh, cũng sẽ có sự biến đổi về nhân sự. Do đó, đòi hỏi việc sắp xếp, tổ chức hệ thống cán bộ, hệ thống công chức như thế nào cho phù hợp để bộ máy tổ chức này không chỉ hiệu quả, hiệu lực mà còn hiệu năng.
![]() |
Gần 17 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đô thị đa chức năng. |
Kinh nghiệm sáp nhập tỉnh câu chuyện từ Hà Nội cho thấy, thành phố có 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính gồm các năm: 1961, 1978, 1991 và 2008; trong đó có 3 lần mở rộng địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978 và 2008; 1 lần thu hẹp vào năm 1991.
Gần đây nhất, ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, Quốc hội đã quyết định từ ngày 1/8/2008 sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của Hòa Bình và huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc vào Hà Nội.
Thời điểm đó, có 4 phương án trong việc sáp nhập về Hà Nội. Cuối cùng, Quốc hội lựa chọn phương án được chọn lựa từ 4 phương án đã được đề ra. Hà Đông khi đó là thủ phủ của Hà Tây, nếu Hà Tây chỉ lấy một phần thì Hà Tây để lại còn rất nhỏ, không đủ tiêu chí, do đó, phải lấy cả Hà Tây. Tuy nhiên, nếu lấy Hà Tây khi đó sẽ động đến Hòa Bình. Do đó, phương án đưa ra là lấy cả Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sáp nhập về Hà Nội.
Tháng 8/2025, tròn 17 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Dẫn chứng câu chuyện sáp nhập của Hà Nội năm 2008 cho thấy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là thay đổi về quy mô mà còn tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển, đồng thời đặt ra những yêu cầu cao hơn về quản lý và phát triển bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 20/3, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW ban hành Công văn số 43-CV/BCĐ về việc kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện tờ trình, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, báo cáo Bộ Chính trị trước ngày 25/3. Sau đó, Đảng ủy Chính phủ tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, hoàn thiện tờ trình, đề án và gửi tài liệu báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trước ngày 1/4. Trước đó, tại Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồi cuối tháng 2/2025 giao Đảng ủy Chính phủ trình Trung ương đề án sáp nhập tỉnh, thành phố, xã phường trước 7/4. Như vậy, thời gian trình Trung ương đề án sáp nhập tỉnh thành đã được rút ngắn một tuần so với trước. Ban Chỉ đạo Trung ương cũng giao Đảng ủy Quốc hội hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị trước 25/3, trình Trung ương trước 1/4 Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, pháp luật Nhà nước; báo cáo về công tác hoàn thiện thể chế (gồm sửa đổi quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật). Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương hoàn thiện đề án tinh gọn các cơ quan của Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, tỉnh, xã), báo cáo Bộ Chính trị trước 25/3; báo cáo Trung ương trước 1/4. |