Thứ hai 23/12/2024 23:39

Công nghiệp chế biến chế tạo: Động lực chính cho phát triển kinh tế

Công nghiệp của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các ngành có triển vọng lớn được xác định là các ngành phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, các ngành đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp nhiều vào GDP.

Công nghiệp chế biến, chế tạo lần đầu tiên xuất siêu

Theo ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2019 mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng tăng trưởng công nghiệp trong năm vừa qua vẫn duy trì được bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Điểm sáng ở đây là năm đầu tiên ngành công nghiệp chế biến chế tạo có xuất siêu, mặc dù số xuất siêu là không lớn, khoảng 100 triệu USD. Điều này cho thấy những chính sách, giải pháp của Chính phủ trong thời gian vừa qua nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, và các chính sách phát triển công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bước đầu đã phát huy tác dụng.

Các sản phẩm công nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao hơn và ít phụ thuộc, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, và có thể nói đây là một hướng phát triển rất là tốt, mang tính chất bền vững để nền kinh tế Việt Nam tránh tụt hậu và tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình”- ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.

Bộ Công Thương khẳng định, kinh nghiệm từ các nước thực hiện công nghiệp hoá thành công cho thấy, trong thời kỳ công nghiệp hoá, công nghiệp chế biến chế tạo luôn phải duy trì mức đóng góp trong GDP từ 20-30% trở lên. Công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam thời gian vừa qua đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đã tăng từ 13% năm 2010 lên 16% năm 2018. Từ 2015 đến nay, công nghiệp chế biến chế tạo luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm.

Sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền kinh tế đã cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, các chính sách và giải pháp về phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đã bước đầu phát huy tác dụng. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo lần đầu tiên xuất siêu thể hiện giá trị gia tăng trong nước đã được nâng cao, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ đã được cải thiện, ít phụ thuộc hơn vào các sản phẩm công nghiệp và vào các nguyên liệu, linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam dần được nâng cao và sự dịch chuyển cơ cấu tích cực, sang các ngành có giá trị cao hơn, và lên nấc thang giá trị cao hơn của chuỗi giá trị.

Công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu

Bộ Công Thương thời gian qua đã có không ít nỗ lực nâng cao năng lực của doanh nghiệp (DN) CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, nhất là trong việc tạo sự gắn kết với DN FDI.

Đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, Bộ Công Thương cũng thực hiện tốt vai trò hỗ trợ DN công nghiệp trong nước phát triển, đặc biệt là các DN CNHT... Học hỏi từ kinh nghiệm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bộ Công Thương đã và đang triển khai việc thành lập các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo cho các DN công nghiệp trong nước.

Theo đó, Bộ Công Thương đã khai trương Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội theo Quyết định số 1970/QĐ-BCT ngày 6/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm phát triển các chương trình công nghiệp phụ trợ trong nước, giúp DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc chính thức khai trương này đánh dấu bước tiến nổi bật của Bộ Công Thương trong đồng hành, hỗ trợ DN trong nước, trở thành cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam.

Trong giai đoạn năm 2020 tầm nhìn năm 2030, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu tập trung phát triển CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu: Linh kiện phụ tùng; lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày và lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã xây dựng chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNHT, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Đồng thời, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp và CNHT, như: bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản; bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp nhằm thực hiện Chương trình phát triển CNHT được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích các địa phương xây dựng chính sách, chương trình phát triển CNHT riêng, đầu tư các nguồn lực trên địa bàn trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó; xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và CNHT có thời hạn đến năm 2025…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng… Đặc biệt, nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT trong triển khai hiệu quả Chương trình phát triển CNHT, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, phát triển khoa học và công nghệ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, muốn phát triển CNHT cần phải kiên trì. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội. Cần có sự thống nhất, quán triệt bảo đảm sự đồng bộ và toàn diện trong các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước về thực hiện mục tiêu chung về phát triển công nghiệp và CNHT nói riêng.

Lan Anh

Tin cùng chuyên mục

Quản lý thị trường: Phát huy ưu điểm từ mô hình ngành dọc

Quản lý thị trường Bắc Kạn: Nắm chắc địa bàn, đánh trúng mục tiêu

Quản lý thị trường Hòa Bình: Nhận diện nhiều vấn đề nổi cộm trong chống buôn lậu, hàng giả

Hiệu quả cao từ hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững

Phong trào thi đua là động lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển công thương địa phương

Lồng ghép công tác thi đua với thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Thúc đẩy tăng trưởng giao thương bền vững sang thị trường châu Á - châu Phi

Tăng cường quan hệ thương mại với các nước Âu - Mỹ

Thương mại điện tử và kinh tế số đã tiến bước dài trong hội nhập

Phát huy vai trò đầu mối quản lý tài chính, doanh nghiệp

Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thi đua yêu nước tạo động lực phấn đấu và cống hiến

Đổi mới phương thức tổ chức, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng

Coi trọng chất lượng và hiệu quả thi đua trong nghiên cứu khoa học

Bảo vệ môi trường và an toàn công nghiệp

Quảng Bình: Phát động thi đua sâu rộng tại lực lượng quản lý thị trường

Công tác tham mưu, phát triển nguồn nhân lực được thực hiện hiệu quả

Hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong phát triển khoa khọc công nghệ

Thi đua yêu nước tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh minh bạch