Chuyên gia: “Cả nước ba tháng có 1 dự án nhà ở xã hội được cấp phép là quá chậm”
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy trong quý I/2023, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới tại tỉnh Bình Định.
Chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến nhà ở cho những người thu nhập thấp, gia đình chính sách, người lao động. Chính phủ đã ban hành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để giải quyết bài toán nhà ở cho người nghèo, người lao động thu nhập thấp.
Nhìn chung, các bộ ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đã chủ động triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Một số địa phương, doanh nghiệp đã khởi động triển khai một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… nhưng chuyển động chưa rõ nét, cần có giải pháp quyết liệt, khẩn trương hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ tiêu Chính phủ giao về xây dựng nhà ở xã hội.
“Tuy nhiên, ba tháng mới chỉ có một dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới là quá chậm. Ở đây cần xác định rằng việc xây dựng nhà ở xã hội là cả một quá trình, cần vào cuộc của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp… Trong đó, địa phương cần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thúc đẩy hoàn thiện hồ sơ thủ tục, để dự án sớm khởi công, hoàn thành, cung cấp sản phẩm cho thị trường. Thực tế có nhiều địa phương trong đó có cả thành phố trực thuộc Trung ương nói rất nhiều nhưng chưa có động thái quyết liệt để thúc đẩy chương trình”, chuyên gia nói.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cả nước ba tháng có 1 dự án nhà ở xã hội được cấp phép là quá chậm |
Theo chuyên gia, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh quy hoạch quỹ đất để phục vụ xây dựng dự án nhà ở xã hội, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách bố trí vốn... giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là niềm hy vọng để người dân sở hữu nhà ở với giá thành rẻ hơn, góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định. Tuy vậy, để thực hiện thành công cần quá trình, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương.
“Chính sách đã có nhưng để đề án sớm hoàn thành thì vai trò của địa phương, các tỉnh, thành rất quan trọng. Địa phương có chú trọng đẩy nhanh và mạnh phát triển nhà ở xã hội hay không, có dành quỹ đất sạch, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hay không lại là vấn đề cần tháo gỡ”, ông Long nói.
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, triển khai các gói tài chính ưu đãi cho các đối tượng mua nhà ở xã hội... Bởi bản chất không phải Nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, quỹ tài chính được phối hợp với người mua nhà và doanh nghiệp để tạo ra gói hỗ trợ.
Trước đó, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản phía Nam bàn về một số giải pháp triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các chuyên gia đã kiến nghị một số nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ tiêu Chính phủ giao về xây dựng nhà ở xã hội như sau: Một là, nhóm giải pháp về quy hoạch, trong đó có nhà ở xã hội phải gắn với kế hoạch sử dụng đất. Nói cách khác là quỹ đất cụ thể phải đặt ra cho nhà ở xã hội.
Hai là, nhóm giải pháp về quy trình thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần mang tính đặc thù, rút ngắn các khâu và thời gian giải quyết.
Ba là, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách như lợi nhuận, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng, liên quan vấn đề giá đền bù, chi phí giá đất của doanh nghiệp bỏ ra đầu tư. Chính quyền cần tạo ra quỹ đất sạch, nhà đầu tư có thể ứng tiền, nhưng đơn vị chịu trách nhiệm chính vẫn là cơ quan Nhà nước.
Bốn là, nhóm giải pháp về tiêu chí người mua, thuê hoặc thuê mua và thủ tục xét duyệt với thời gian nhanh gọn, thẩm định rõ ràng. Giải ngân trong ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương cần thực hiện theo mục tiêu của Đề án Chính phủ đặt ra, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn.
Năm là, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, có giải pháp cho từng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Hiệp hội và doanh nghiệp đăng ký lịch làm việc với các địa phương để giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.