Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nông nghiệp giảm chi phí từ 7% đến 25%
Nhiều giải pháp công nghệ mới được giới thiệu
Là doanh nghiệp được biết đến có nhiều nền tảng số, đến với Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều ngày 14/5, ông Vũ Minh Quang - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số Doanh nghiệp FPT IS - Tập đoàn FPT – đã giới thiệu 2 giải pháp hệ sinh thái số mới nhất của đơn vị nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị |
Giải pháp đầu tiên được ông Vũ Minh Quang giới thiệu đó là giải pháp kiểm kê khí nhà kính đầu tiên tại Việt Nam - VertZéro. Sản phẩm của FPT hướng đến số hóa công tác kiểm kê khí nhà kính, từ thu thập số liệu, lựa chọn bộ số liệu phát thải, đến tính toán và đưa ra báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo đúng tiêu chuẩn của nhà nước và quan trọng hơn đó là theo đúng tiêu chuẩn của thị trường đầu ra.
“Giải pháp giúp số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải, đáp ứng các khung tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát thải, loại bỏ khí nhà kính. FPT IS đang tích cực hợp tác, kết nối cùng đối tác chuyển đổi xanh hàng đầu. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và mở rộng dự án án xanh giữa Việt Nam và quốc tế”, ông Vũ Minh Quang nói.
Giải pháp thứ 2 được đại diện FPT giới thiệu đó là hệ sinh thái tài chính số TradeFlat nhằm cung cấp nền tảng giao dịch toàn trình (end-to-end), giải quyết trọn vẹn bài toán tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp nông nghiệp từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào tới hoạt động phân phối sản phẩm tạ thị trường nội địa cũng như giao dịch thương mại xuất khẩu xuyên biên giới.
“TradeFlat hiện với các sản phẩm tài chính số được đồng hành bởi những Ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các chương trình tài trợ vốn lưu động hiệu quả tới các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông nghiệp nội địa. Đồng thời, cùng với việc hợp tác với các nền tảng quốc gia của Nhật Bản, New Zealand và một số quốc gia khác, giải pháp giúp giảm tổng thời gian giao dịch toàn trình thương mại quốc tế từ 7-10 ngày xuống 0,5 - 1 ngày. Với nền tảng này sẽ giúp thúc đẩy quá trình thương mại và giao thương, xuất nhập khẩu trong ngành nông nghiệp rất nhiều tiềm năng của Việt Nam”, ông Vũ Minh Quang chia sẻ.
Ghi nhận những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 - 25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.
Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, hay sắp tới là Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU…, công nghệ số sẽ giúp ngành chứng minh điều đó. Khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cuộc điều tra về thuế, gỗ hợp pháp.... Nếu doanh nghiệp ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong vận hành sản xuất, quản lý doanh nghiệp thì sẽ vượt qua được các “hàng rào” của các thị trường.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa mà vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và tăng cường hiệu suất trong nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần đơn giản, dễ hiểu
Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Đó là, nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ…
Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, các doanh nghiệp thủy sản có sự ứng dụng số hóa không đồng đều và có thể phân thành 3 cấp: Sơ khai; tự đầu tư trên góc độ tự quản trị và đầu tư khá bài bản. Với doanh nghiệp đầu tư bài bản, họ có thể nắm được mọi thông số trong quản trị. Chẳng hạn khi gặp các cuộc thanh kiểm tra, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự tin đáp ứng các yêu cầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Katherine Nelson - Chuyên gia khoa học về Biến đổi khí hậu, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) – nhận định, Việt Nam đang dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nhất là trong ngành nông nghiệp. Những người nông dân khu vực nông thôn họ sử dụng điện thoại rất nhiều và mức độ kết nối internet rất cao. Đây là điều kiện rất tốt cho công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp và các nước khác cũng đang nhìn vào Việt Nam để học hỏi.
“Việt Nam đã rất tiến bộ trong việc cơ giới hóa trong nông nghiệp và tiến tới nông nghiệp chính xác với việc quản lý sử dụng các nguyên nhiên vật liệu đầu vào một cách tự động. Bên cạnh đó, thì cũng cần phát triển công cụ hỗ trợ theo dõi báo cáo, truy xuất nguồn gốc để các sản phẩm nông nghiệp có thể được quản lý một cách chính xác và hỗ trợ trong việc thương mại, dán nhãn sản phẩm nông nghiệp có phát thải thấp, sản phẩm nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp bền vững, giúp cho người nông dân có thể đưa các sản phẩm của mình đến các thị trường một cách bền vững hơn”, bà Katherine Nelson khuyến nghị.
Chia sẻ về giải pháp, ông Dương Trọng Hải - đại diện VNPT - cho rằng, để ứng dụng, phát triển nông nghiệp số không phải là vấn đề đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ mà đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu sẵn sàng số hóa. Doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt hợp tác xã, nông dân chuyển đổi số, khi đó sẽ tạo thành thị trường số.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu ra 6 vấn đề còn vướng mắc trong công tác số hóa ngành nông nghiệp gồm: thể chế; hạ tầng số; cải cách hành chính; số hóa dữ liệu trong nông nghiệp; thiếu nhân lực chuyển đổi số; công tác hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời, phát triển hạ tầng số để các cơ sở dữ liệu có sự kết nối đồng bộ, tạo sự thuận lợi nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Những ứng dụng đến với nông dân phải thật đơn giản, dễ hiểu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tìm ra lĩnh vực, địa phương cần ưu tiên để thực hiện chuyển đổi số trước, với tinh thần làm tới nơi, tới chốn. Bên cạnh đó là vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ hiện nay của Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… “Những công ty công nghệ có thể xây dựng giải pháp, hạ tầng rồi cho người dân, doanh nghiệp hay cơ quan quản lý thuê các dịch vụ công nghệ này”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý thêm.