Chi Lê quan tâm đến mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng Việt Nam
Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Chi Lê 2020 diễn ra trong hai ngày 26 và 27/11 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Chi Lê và Phòng Thương mại Chi Lê – Việt Nam tổ chức.
Nhận định về tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Chi Lê, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, dù Chi Lê ở cách xa nửa vòng trái đất nhưng hai nước đang có nhiều điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
Hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Chi Lê 2020 |
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chi Lê - cho biết, từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi Lê có hiệu lực (năm 2014) đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước không ngừng tăng trưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh Chi Lê giảm nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 19% so với cùng kỳ năm trước) do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì nước này vẫn tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Đáng chú ý, sản phẩm của hai nước đang ngày càng mở rộng sang thị trường của nhau.
Mới đây, quả bưởi của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Chi Lê. Trước đó, quả thanh long cũng đã được phép nhập khẩu vào quốc gia này.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm 2019 với Việt Nam, còn với Chi Lê, CPTPP đang chờ Quốc hội nước này phê chuẩn. Khi CPTPP có hiệu lực với cả Chi Lê, doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm rất nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh khai thác thị trường của nhau.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, các doanh nghiệp hai bên cần tăng cường tận dụng những lợi ích của FTA Việt Nam – Chi Lê và CPTPP, để xích lại gần nhau hơn thông qua các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng, sản xuất và xuất khẩu trong đa dạng các lĩnh vực ngành hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng các loại.
Quả bưởi Việt Nam có mặt ở thị trường Chi Lê |
Cục Xúc tiến thương mại sẽ luôn nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức tại Chi Lê hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, trao đổi cơ hội kinh doanh và đầu tư thông qua đa dạng hoạt động xúc tiến thương mại cả trực tuyến và trực tiếp, bao gồm tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm quy mô lớn, đoàn giao dịch thương mại, cung cấp thông tin thị trường và đối tác kinh doanh... - ông Lê Hoàng Tài cam kết.
Ông Manuel Ubilla Espinoza, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam – Chi Lê cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối doanh nghiệp hai nước giao thương và tìm hiểu thị trường của nhau.
Cũng tại hội nghị giao thương, hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam và Chi Lê hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng… đã bước vào các phiên giao thương 1:1 để trao đổi, tìm hiểu thông tin sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp, thị trường, tiến tới thiết lập đối tác hợp tác kinh doanh.