Thứ sáu 27/12/2024 10:34

Bộ Công Thương và những nỗ lực gỡ khó, mở rộng thị trường với Trung Quốc năm 2023

Năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng Việt vào Trung Quốc.

Nếu như bức tranh xuất khẩu Việt Nam- Trung Quốc năm 2023 có một số “điểm mờ” vào đầu năm với mức tăng trưởng chưa như kỳ vọng thì các mảnh ghép của những tháng sau đó đã tươi sáng và rõ nét hơn. Với mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2023 tăng 5,13%, cao hơn mức tăng 3,18% của cả năm trước đã cho thấy những giải pháp đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Công Thương trong việc nỗ lực mở rộng đưa hàng Việt vào thị trường Trung Quốc phát huy được hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Đồng loạt các giải pháp xúc tiến thương mại

Thông tin từ Vụ thị trường châu Á- châu Phi- Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021 và chiếm 24% trong tổng XNK của Việt Nam

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

Năm 2023, Xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng

Năm 2023, kim ngạch XNK sang Trung Quốc có nhiều khởi sắc, đặc biệt từ quý 2 trở đi. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam).

Với dân số 1,411 tỷ người, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Đơn cử với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; Xuất khẩu vải thiều chiếm 90%; XK thanh long chiếm hơn 80%... Với mặt hàng sắn, thị trường này cũng chiếm tới 91,47% tỷ trọng xuất khẩu; Với cao su là 71% và Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Những lợi thế về quy mô thị trường, xu hướng tiêu dùng, vị trí địa lý của thị trường Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là đã rõ, nhưng để tận dụng được các lợi thế đó thì không hề đơn giản. Thói quen kinh doanh của không ít doanh nghiệp và người nông dân trong nhiều năm qua là “có gì bán nấy”, ưa chuộng phương thức xuất khẩu tiểu ngạch, làm việc qua các thương lái… nên không có sự chủ động và chiến lược dài hạn, dễ lúng túng trước những quy định mới của nước nhập khẩu. Bởi lẽ đó, Trung Quốc, một thị trường gần mà có lúc lại trở nên “xa tít”. Có thời điểm, hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phải nằm chờ ở cửa khẩu do phía bạn sửa đổi luật An toàn thực phẩm và các quy định về nhập khẩu hàng hóa; Thủ tục nhập khẩu cũng được quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác…

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023 với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới” đã khơi gợi nhiều giải pháp, đưa ra nhiều thông tin thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu

Bộ Công Thương với vai trò quản lý trong lĩnh vực thương mại, trong năm 2023 đã rốt ráo thực hiện nhiều giải pháp, đồng hành với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và nông dân trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trong 12 hội nghị giao ban thương vụ của năm 2023, giải pháp đưa hàng hóa sang thị trường Trung Quốc được thực hiện riêng một buổi vào tháng 4/2023 với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Đây là sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương ngay sau khi nhận thấy diễn biến xuất khẩu những tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc có chiều hướng kém tích cực, khi quý 1/2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị giao ban thương vụ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ rõ: Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Việc cạnh tranh hàng xuất khẩu ra các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ cũng không dễ dàng. Mặt khác, nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì thế, chúng ta cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ và thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay thì mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.

Tại hội nghị này, các cơ hội xuất khẩu, những khó khăn vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ để xuất nhập khẩu được đẩy mạnh với thị trường Trung Quốc đã được nhận diện. Và trong nhiều cuộc giao ban thương vụ tiếp theo, những tín hiệu tích cực hay những thay đổi quy định của thị trường này; các vướng mắc của doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể khi xuất khẩu sang Trung Quốc…tiếp tục được Thương vụ và và các vụ chức năng của Bộ Công Thương giải đáp; tập hợp các kiến nghị để phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ nhằm có các tham mưu chính sách phù hợp, kịp thời.

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp tại thị trường Trung Quốc cũng được Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh thông qua tham gia các triển lãm, hội chợ. Tại Hội chợ ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO) diễn ra vào tháng 9/2023, khu gian hàng thương mại Việt Nam có quy mô lớn nhất trong số các nước ASEAN với sự tham gia của 120 doanh nghiệp, hơn 200 gian hàng. Theo Cục Xúc tiến thương mại, đã có khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam tham dự các chương trình giao thương, hội thảo tại hội chợ, tổng giá trị giao dịch thương mại và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư và kinh doanh tại hội chợ bình quân đều đạt gần 100 triệu USD. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc và giao dịch với khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN và quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Tất cả những hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, Bộ Công Thương luôn nhấn mạnh và tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi một cách tối đa sang xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Gần đây nhất, tháng 11/2023, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam-Trung Quốc”. Ngay sau hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, ước tính có hơn 150 lượt giao dịch đã diễn ra. Cùng với hoạt động này, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ động phối hợp cùng với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, CCPIT Trung Quốc tại Trung ương và địa phương tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch và làm việc tại các địa phương và Hội chợ tại Trung quốc để kết nối giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các địa phương biên giới như Lào Cai chức hội chợ thương mại quốc tế để tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu, thâm nhập thị trường Vân Nam và tạo đà phát triển mở rộng ra các địa phương khác của Trung Quốc.

Chủ động gỡ khó cho xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới

Khơi thông dòng chảy thương mại Việt Nam- Trung Quốc trong năm 2023 còn phải kể đến việc Bộ Công Thương đã chủ động, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chuyển hướng xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch cũng được triển khai đồng bộ, tích cực.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.

Thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6/2023, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trện địa bàn tỉnh Lạng Sơn có dấu hiệu ùn ứ. Bộ Công Thương đã phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các giải pháp để nhanh chóng giải tỏa ùn tắc. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Dư Kiến Hoa để chủ động thúc đẩy phía Trung Quốc phối hợp tạo thuận lợi thông quan, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan tại cửa khẩu, thiết lập luồng xanh ưu tiên thông quan cho trái cây, định hướng doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa cửa khẩu biên giới giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc (Đại sứ quán, hải quan), chỉ đạo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây thúc đẩy cơ quan chức năng cửa khẩu phía Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao đổi với Đại sứ Hùng Ba về hợp tác công nghiệp- thương mại, đặc biệt là hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước

Vào tháng 8/2023, tham gia đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu làm việc tại Lạng Sơn, thăm và làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc trao đổi ngắn với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam- Hùng Ba, một trong những nội dung được Bộ trưởng đề cập là tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước.

Cùng với những giải pháp gỡ khó trực tiếp cho xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan điều kiện thuận lợi cấp giấy chứng nhận C/O cho các doanh nghiệp đổi cửa khẩu xuất khẩu. Đồng thời, Bộ đã có công văn số 409/XNK-TMQT gửi Sở Công Thương các tỉnh thành phố và các Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đề nghị chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thông quan để hoạt động xuất khẩu đạt được hiệu quả cao nhất.

Hiểu thị trường để xuất khẩu bền vững

Tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thương mại biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Đó là, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu…

Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/12/2023

Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục phải đối diện với một số thách thức về việc điều chỉnh chính sách của quốc gia này: Luật An toàn thực phẩm được sửa đổi 2 lần, ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", tạo nên áp lực “chuẩn hóa” cho nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt quản lý nông thủy sản nhập khẩu khi chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu chỉ định, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu…

Từ thực tế này, Bộ Công Thương đã liên tục có những lưu ý và đưa ra các phương hướng xuất khẩu sang Trung Quốc cho các doanh nghiệp, ngành hàng. Ông Tô Ngọc Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi bày tỏ: Quan điểm khai thác thị trường Trung Quốc phải thay đổi, đây là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch". Cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường và hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao.

Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Lộ trình chuyển từ xuất khẩu “tiểu ngạch” sang “chính ngạch” được đề xuất cụ thể: Từ ngày 1/1/2025, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong tổ chức sản xuất cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; Xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; Định hướng sản xuất/nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.

Về quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; Tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, VIETGAP, HACCP.

Liên quan tới vấn đề tháo gỡ rào cản kỹ thuật, cần tận dụng hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai nước để tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật; Xây dựng lộ trình, kế hoạch mở cửa thị trường cho mặt hàng xuất khẩu, đánh giá kỹ năng lực sản xuất trong nước và nhu cầu của thị trường.

Đối với các doanh nghiệp, phải nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; Chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu; Tận dụng tuyến đường sắt liên vận Việt Nam- Trung Quốc.

Một trong những nội dung được Bộ Công Thương đề cập nữa là việc tăng cường tiếp cận vùng. Bên cạnh thị trường truyền thống như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây thì doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tới thị trường tiềm năng miền Tây, miền Đông và Tây Nam Trung Quốc.

Thùy Linh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất nhập khẩu

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ

Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Phòng vệ thương mại: Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất

Ocean City tổ chức hội chợ xuân Giảng Võ, quy tụ gần 200 gian hàng Việt Nam và Quốc tế

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Phòng vệ thương mại triển khai đồng bộ, toàn diện: Tiền đề giúp khơi thông nguồn lực phát triển