Bộ Công Thương: Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước
Làm tốt vai trò quản lý Nhà nước
Nhằm đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước, trong giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở thực tế và những dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt 02 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gồm Quy hoạch điện VII (Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016); Triển khai quyết liệt các quy hoạch đã được phê duyệt một cách hiệu quả.
Nhờ đó, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng điện đã có sự phát triển mạnh mẽ, phủ khắp các vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình nguồn và lưới điện được hoàn thành kịp thời giúp tăng cường năng lực cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện. Đặc biệt, đối với việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), bên cạnh tham mưu, xây dựng chính sách khuyến khích, Bộ Công Thương đã chủ động tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các chủ đầu tư; thường xuyên đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình truyền tải giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, điện gió …
Về nguồn điện, giai đoạn 2011-2019, ngành điện đã đưa vào vận hành trên 24 GW nguồn điện bao gồm cả năng lượng tái tạo (trên 5.000 MW). Tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng gần 54.880 MW tăng trên 2,6 lần so với năm 2010. Về lưới điện, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010, chiều dài đường dây 220-110 kV tăng 1,9 lần so với năm 2010; Dung lượng trạm biến áp 500 kV tăng 2,84 lần, dung lượng trạm biến áp 220-110 kV tăng 2,82 lần.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, tìm kiếm nguồn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi; chỉ đạo ngành điện, EVN triển khai đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tính đến nay, 100% số xã và 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện; đồng thời ngành điện đã tiếp nhận hệ thống điện và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo. Có 81/85 xã đảo được ngành điện tiếp nhận và cung cấp điện, phục vụ tổng số 151.154 khách hàng.
Kết quả này đã được Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá cao và Việt Nam được xem là mô hình để các quốc gia đang phát triển.
Hệ thống điện được vận hành ổn định, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tiêu dùng của nhân dân với mức tăng trưởng trên 10%/năm. Đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh). Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2019 đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011-2019 là 10,5%/năm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ đạo ngành điện thực hiện tốt công tác giảm tốt sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng; bảo vệ môi trường; nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng; giảm tổn thất điện năng; tiết kiệm điện. Nhờ đó, chỉ số tiếp cận điện năng đã đạt Top 4 ASEAN, duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới; Tổn thất điện năng giảm từ mức 10,15% vào năm 2010 và đến năm 2019 giảm còn 6,5%, vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm bằng 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.
Liên quan đến việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh và chính sách giá điện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả lộ trình 3 giai đoạn. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện, với mục tiêu hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, ngành điện và đa số khách hàng sử dụng điện; đảm bảo không làm tăng giá bán điện bình quân, duy trì chính sách hỗ trợ người nghèo, chính sách; khuyến khích tiết kiệm điện…
Đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước
Trong giai đoạn 2011-2019, trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương đã thường xuyên cập nhật nhu cầu phụ tải, rà soát tiến độ các dự án điện, tính toán cân bằng cung cầu hệ thống điện,... để đề xuất kịp thời các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu chiến lược phát triển ngành điện, các cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách, cụ thể hóa các chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo tiến độ các dự án điện, đảm bảo cân đối cung cầu điện.
Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các Bộ ngành liên quan, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực và các địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát tình hình triển khai, xây dựng các nguồn điện lớn, quan trọng để giải quyết khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án (như NĐ Thái Bình 2, Long Phú I, Sông Hậu I, TTĐL Vĩnh Tân,…) cũng như các dự án năng lượng tái tạo; làm việc với địa phương về công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách điều chỉnh giá năng lượng theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện để ngành năng lượng từng bước tự chủ về tài chính, có đủ năng lực cho đầu tư phát triển. Trong đó có điều chỉnh giá điện đảm bảo hoạt động kinh doanh của các đơn vị điện lực có lãi, là động lực quan trọng để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án ngành điện.
Trong lĩnh vực dầu khí và xăng dầu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu khí thực hiện ưu tiên cấp khí cho sản xuất điện (Giai đoạn 2010 - 2019, sản lượng khí khai thác về bờ phục vụ cho các hộ tiêu thụ luôn duy trì mức 8,5 - 10,2 tỷ m3 khí/năm. Sản lượng khí này đến nay về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện).
Bộ Công Thương đã quản lý điều hành linh hoạt lĩnh vực xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng của người dân; điều hành giá xăng dầu theo diễn biến của thị trường.
Về lĩnh vực than, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tính toán nhu cầu than đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; tham mưu, xây dựng quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt’ đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp ngành than triển khai theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, nhu cầu điện của Việt Nam vẫn đang tiếp tục nhanh trên 8%/năm. Trong khi đó nhiều dự án năng lượng còn chậm tiến độ, nguồn nhiên liệu (than, dầu, khí, nguồn nước…) cho sản xuất điện và các ngành sản xuất khác đang dần bị cạn kiệt, dẫn đến phải nhập khẩu…đang là một thách thức lớn cho ngành năng lượng Việt Nam.
Bám sát các chủ trương, chỉ đạo của trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hiện Bộ Công Thương đang tích cực hoàn thiện công tác lập Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch ngành Năng lượng quốc gia; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điện lực và các văn bản luật liên quan (Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu, Quy hoạch..) tạo điều kiện phát triển năng lượng bền vững.
Bộ Công Thương cũng sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát đầu tư, đôn đốc tiến độ dự án điện; đảm bảo kế hoạch vốn đầu tư của các Tập đoàn để thực hiện các dự án điện theo chiến lược ngành, quy hoạch điện quốc gia được duyệt; Giải quyết các kiến nghị, vướng mắc, tồn tại của các dự án điện do các Tập đoàn làm chủ đầu tư theo thẩm quyền của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước UBQLV và các chức năng của đại diện chủ sở hữu nhà nước khác tại các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than khoáng sản Việt Nam theo quy định.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, trong giai đoạn 2011 – 2019, Bộ Công Thương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, trong đó có lĩnh vực năng lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế. |