Thứ ba 24/12/2024 00:54

Bộ Công Thương: Đi đầu trong cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử

Trong giai đoạn 2016-2020, cùng với việc thực thi các nhiệm vụ chính trị thường xuyên, Bộ Công Thương đã coi cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tiên phong cải cách và những kết quả đáng ghi nhận

Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị "Tổng kết thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030" cho thấy, công tác CCHC của trong giai đoạn 2011 - 2020 được tiến hành đồng bộ và có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Từ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng văn bản pháp luật, cải cách tài chính công, hiện đại hoá hành chính…

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Công Thương đã xây dựng và thực hiện quyết liệt chương trình CCHC, trong đó ưu tiên đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành. Hằng năm, Bộ Công Thương thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các TTHC, tiếp tục xây dựng, ban hành Phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC và đảm bảo khả năng thực thi của các TTHC được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác CCHC của mình.

Lãnh đạo Bộ thường xuyên lồng ghép, phổ biến, quán triệt sâu rộng về tầm quan trọng và mục tiêu, ý nghĩa của công tác CCHC thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các hội nghị, hội thảo chuyên môn và đặc biệt là các hội nghị giao ban của Bộ..., đã tạo chuyển biến rõ rệt từ tư tưởng đến hành động của toàn bộ hệ thống Lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động của Bộ Công Thương, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Cho đến nay, Bộ đã cắt giảm 880/1216 điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương 1051 mã HS/1891 mã HS đạt tỷ lệ hơn 56%. Bộ Công Thương là Bộ về đích sớm nhất các mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh Thủ tướng giao.

Đánh giá về công tác cải cách điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, Bộ Công Thương dưới sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ đã có chuyển biến tích cực trong lĩnh cực cải cách các điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương đã làm lĩnh vực này rất một cách rất bài bản và tự nguyện, xuất phát từ tư duy quản lý chứ không phải sự ép buộc hay áp lực của Thủ tướng.

Về công tác cải cách bộ máy, Bộ Công Thương đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Bộ Công Thương đã cắt giảm số đơn vị đầu mối, từ 35 đơn vị (30 đơn vị hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp) xuống còn 30 đơn vị (26 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp); số lượng phòng giảm từ 197 phòng xuống còn 125 phòng (giảm 72 phòng). Đặc biệt, trong cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương hiện chỉ có duy nhất một đơn vị cấp tổng cục là Tổng cục QLTT được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg. Đến nay, Tổng cục QLTT đã sắp xếp giảm được 235 Đội QLTT cấp huyện, và đang hướng tới thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất 38 Cục QLTT cấp tỉnh để giảm 19 Cục QLTT cấp tỉnh.

Đi đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ đã xây dựng thể chế thúc đẩy Chính phủ điện tử bằng 05 quyết định và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, triển khai quyết liệt, sâu rộng. Đặc biệt để đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Bộ Công Thương điện tử (e-MOIT) gắn với đổi mới; đồng thời phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ theo quy định của Chính phủ; Từ tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và sử dụng chính thức Hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ), qua đó thể hiện quyết tâm trong tiến trình cải cách hành chính, là bước đi lớn trong hiện thực hoá Chính phủ phi giấy tờ trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ nâng cao tính minh bạch trong quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế theo yêu cầu tại các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ động nâng cao tính bảo mật hệ thống; thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành chức năng nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, liên tục; ngăn chặn, phòng tránh các nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài; thường xuyên tổ chức và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao về trình độ quản lý, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của các đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa hành chính tại bộ thông qua việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản tại các cơ quan hành chính thuộc bộ. Tiến hành cải tiến quy trình xử lý văn bản và triển khai xây dựng, ứng dụng Hệ thống xử lý văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT) đối với 100% đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ từ năm 2016. Theo đó, 100% các văn bản đi và đến được trao đổi, xử lý và lưu trữ trực tiếp trên môi trường mạng; Tỷ lệ xử lý văn bản đến trong Bộ đạt tỷ lệ trên 90%. Hệ thống IMOIT đã được kết nối liên thông với hệ thống quản lý văn bản điện tử của Văn phòng Chính phủ.

Song song với đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân giải quyết nhanh thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, góp phần nâng cao cạnh tranh trên thị trường, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của một số công chức thực thi công vụ.

Tính đến tháng 6/2020, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng DVCTT mức độ 2 trở lên; tích hợp 129/206 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp 01 báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; kết nối 11 DVCTT Cơ chế một cửa Quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Đến nay, đã có hơn 31.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng DVCTT của Bộ. Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 1.540.000 bộ hồ sơ điện tử qua các DVCTT mức độ 3, 4 (trong đó số lượng hồ sơ trực tuyến được gửi qua các DVVTT mức độ 3 là hơn 1.314.000, hồ sơ được gửi qua DVCTT mức độ 4 là hơn 225.465), tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Với quan điểm và thực tiễn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Công Thương đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân và những dịch vụ công phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi dễ dàng cho việc thực thi của cơ quan quản lý và tính lan toả của dịch vụ dựa trên cơ sở các tiêu chí theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp nhằm loại bỏ những nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu từ cơ quan quản lý …để đưa lên Cơ chế một cửa Quốc gia, Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ví dụ như dịch vụ Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi, dịch vụ Đăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại Bộ Công Thương – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Đối với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, cho đến thời điểm này, Bộ Công Thương hiện đã kết nối 11 DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Trong 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 192.000 hồ sơ điện tử thông qua VNSW. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Hải quan kết nối thành công và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 6 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia. Trong năm 2019, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 137.580 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhờ những nỗ lực của mình, vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC (Parindex) của Bộ Công Thương liên tục có những bước tiến vượt bậc: năm 2016, đứng thứ 12/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ; năm 2017, đứng thứ 5/19; năm 2018 tiếp tục giữ vị trí thứ 5/18 và duy trì trong năm 2019.

Đánh giá về công tác CCHC của Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã đánh giá cao công tác chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công Thương, đặc biệt là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong công tác CCHC. Trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Công Thương đã hoàn thiện số lượng lớn văn bản pháp luật (trong đó có nhiều bộ luật rất khó), cắt giảm 880 thủ tục, điều kiện kinh doanh…qua đó tạo sự lan toả, tác động tích cực đến nền kinh tế xã hội. Bộ Công Thương cũng đã tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm nghìn hồ sơ điện tử. Đây là con số rất đáng ngưỡng mộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng Bộ Công Thương là một bộ đa ngành, có những đóng góp lớn cho nền kinh tế do đó trong giai đoạn tới, cần phát huy kết qủa CCHC đã đạt được, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công, thực hiện Chính phủ điện tử và đi đầu trong kinh tế số.
Đỗ Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Quản lý thị trường: Phát huy ưu điểm từ mô hình ngành dọc

Quản lý thị trường Bắc Kạn: Nắm chắc địa bàn, đánh trúng mục tiêu

Quản lý thị trường Hòa Bình: Nhận diện nhiều vấn đề nổi cộm trong chống buôn lậu, hàng giả

Hiệu quả cao từ hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững

Phong trào thi đua là động lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển công thương địa phương

Lồng ghép công tác thi đua với thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Thúc đẩy tăng trưởng giao thương bền vững sang thị trường châu Á - châu Phi

Tăng cường quan hệ thương mại với các nước Âu - Mỹ

Thương mại điện tử và kinh tế số đã tiến bước dài trong hội nhập

Phát huy vai trò đầu mối quản lý tài chính, doanh nghiệp

Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thi đua yêu nước tạo động lực phấn đấu và cống hiến

Đổi mới phương thức tổ chức, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng

Coi trọng chất lượng và hiệu quả thi đua trong nghiên cứu khoa học

Bảo vệ môi trường và an toàn công nghiệp

Quảng Bình: Phát động thi đua sâu rộng tại lực lượng quản lý thị trường

Công tác tham mưu, phát triển nguồn nhân lực được thực hiện hiệu quả

Hoàn thiện cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong phát triển khoa khọc công nghệ

Thi đua yêu nước tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh minh bạch