Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng
Từ chợ truyền thống đến "chợ mạng"
Cách đây chưa lâu, việc tiêu thụ nông sản ở những vùng sâu vùng xa vẫn chủ yếu phụ thuộc vào chợ truyền thống, với lượng tiêu thụ khiêm tốn và biên độ giá bấp bênh. Thế nhưng, nhờ xác định đúng vai trò chiến lược của thương mại điện tử, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tại tỉnh Yên Bái đã chủ động bắt nhịp xu hướng mới.
Điển hình là HTX sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên (TP. Yên Bái). Thay vì hài lòng với thị trường nhỏ lẻ, HTX đã nhanh chóng đẩy mạnh hiện diện trên các sàn Shopee, Postmart.vn, Voso.vn, Sendo... Cùng với đó, HTX mạnh dạn livestream, đăng tải video trải nghiệm thực tế trên Facebook, Zalo, TikTok Shop để tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn.
Được làm từ bột dong riềng nguyên chất, sản xuất kết hợp thủ công và máy móc, miến đao Giới Phiên giữ được độ dai, trong, hương vị đặc trưng và đặc biệt cam kết không phụ gia, không chất bảo quản. Chất lượng là nền tảng, còn thương mại điện tử là cánh tay nối dài giúp sản phẩm vươn xa.
Hình ảnh mật ong bạc hà của HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Po Mỷ trên Tiki. Ảnh chụp màn hình |
Nhìn sang tỉnh Hà Giang, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Po Mỷ (huyện Đồng Văn) nhờ mạnh dạn đưa sản phẩm như mật ong bạc hà, sâm khoai, thịt lợn treo... lên các sàn giao dịch như Postmart, Sendo, Voso, Shopee, đã tạo nên cú hích về tiêu thụ, doanh thu.
Ban đầu, việc đưa hàng lên "chợ mạng" gặp không ít trở ngại: Thiếu kỹ năng công nghệ, e dè tâm lý, hạ tầng yếu ... Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì, tập huấn bài bản, HTX Po Mỷ đã vượt qua rào cản. Giờ đây, mỗi tháng, đơn vị chốt gần 1.000 đơn hàng online, mang về gần 2 tỷ đồng doanh thu mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số.
Ở Bắc Kạn, nông dân vùng cao cũng ngày càng quen với số hóa. Không còn chỉ bán hàng qua chợ phiên, nhiều hộ đã chủ động lập gian hàng online, livestream bán sản phẩm như măng khô, miến dong, trà shan tuyết, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng – con số mà trước đây họ không dám mơ tới.
Luôn có sự đồng hành của ngành Công Thương
Thành công của các mô hình trên không chỉ từ sự cần cù, sáng tạo của bà con mà còn là kết quả của những chính sách hỗ trợ đúng hướng.
Liên minh HTX Việt Nam cùng với các địa phương như Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, đã không ngừng hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực.
Nhờ đó, các dự án liên kết sản xuất mật ong hoa bạc hà, nuôi bò sinh sản, trồng lê đặc sản tại Đồng Văn đã hình thành chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Bà con không còn cảnh "được mùa mất giá", mà từng bước làm chủ được đầu ra.
Miến đao Giới Phiên được biết đến ngày một rộng rãi. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó không thể không kể tới công xây dựng chính sách rất tích cực của Bộ Công Thương.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong tổng quy mô 36 tỷ USD của nền kinh tế số Việt Nam, thương mại điện tử chiếm tới 2/3. Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới.
Để quản lý lĩnh vực này, tạo môi trường phát triển thương mại điện tử minh bạch, doanh nghiệp, người dân từ đồng bằng đến miền núi hưởng lợi, Bộ Công Thương đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết, Bộ Công Thương đã khẩn trương xây dựng 5 bộ tài liệu liên quan đến hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, gồm: Hồ sơ xây dựng luật, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết thực thi pháp luật hiện hành, báo cáo đề xuất chính sách. Các tài liệu này đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành, xác định các nội dung cần thiết cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Bổ sung và thống nhất các khái niệm theo các quy định pháp luật hiện hành.
Quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót các mô hình hoạt động thương mại điện tử và các chủ thể tham gia; đảm bảo minh bạch về thẩm quyền, rõ ràng về giới hạn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử; quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại với mục tiêu đối xử công bằng đối với các loại hình cung cấp dịch vụ tin cậy; nhanh chóng phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử.
Quy định về xây dựng, phát triển thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh, bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, tạo giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường
Có thể thấy, cùng với sự trợ sức của ngành Công Thương quá trình chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có kết quả nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hạ tầng internet tại nhiều xã vùng sâu vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực vận hành các gian hàng online, kỹ năng marketing số của phần đông hộ dân còn hạn chế. Một số sản phẩm, dù đã lên sàn, nhưng chưa xây dựng được thương hiệu bài bản, dẫn đến khả năng cạnh tranh chưa cao cần sự chung ta mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Chính sách về thương mại điện tử đã được ngành Công Thương các địa phương triển khai sâu rộng từ đó giúp rộng rãi đối tượng tiếp cận và sử dụng hiệu quả. |