Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng
Thông tin từ cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ 7 tháng đầu năm cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa tháng 7 đạt 19,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước đó. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK hàng hóa đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này có được là do hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng nên 2 nhóm hàng nông - thủy sản và công nghiệp chế biến đều có kim ngạch XK tăng lần lượt 5,3% và 17,9%. Riêng nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 2,6% do mặt hàng dầu thô giảm mạnh lượng và kim ngạch XK.
Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm vẫn có tín hiệu khả quan |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (NK) tháng 7 là 19,8 tỷ USD, tăng 4% so với trước đó. Ước kim ngạch NK hàng hóa 7 tháng đầu năm đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhóm hàng cần kiểm soát NK tăng 12,5% so với nhóm hàng cần NK, tăng 10,8%. Như vậy trong tháng 7, cả nước nhập siêu 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái xuất siêu với mức khoảng 3 tỷ USD.
Ông Phan Sinh - Tổng cục Hải quan - nhận định, tình hình xuất nhập khẩu sau 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá tốt. Trong đó, XK giữ mức độ tăng trưởng đều và cao, ở mức xấp xỉ 15 - 16%; NK duy trì trong khoảng 10%. Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu giữ vai trò tích cực trong tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
"Theo Hiệp hội Lương thực, XK gạo đang gặp khó khăn do phía Trung Quốc tăng thuế. Tuy nhiên, thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 7, lượng gạo XK đi Trung Quốc vẫn duy trì ổn định, chưa bị chững lại" - ông Phan Sinh cho hay.
Cẩn trọng những tháng cuối năm
Dù tình hình xuất nhập khẩu vẫn khá ổn định sau 7 tháng, nhưng thách thức sẽ đến trong những tháng tới. Theo bà Nguyễn Thị Mai Linh - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, do Trung Quốc điều chỉnh thuế với các thị trường NK thuộc khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam nên theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tình hình XK gạo bắt đầu gặp khó. Tăng trưởng XK gạo nếp - mặt hàng XK chủ lực sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại khi ít hợp đồng mới, chủ yếu đang thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang liên tục leo thang cũng ảnh hưởng đến hoạt động XK các mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, giá thóc, gạo nhìn chung đều có xu hướng giảm, kể cả gạo của Thái Lan, Ấn Độ… Đặc biệt, giá gạo của Thái Lan đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Giá gạo giảm sẽ ảnh hưởng đến tình hình XK nông sản nói riêng và XK hàng hóa nói chung.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu khả quan cho tình hình XK gạo khi sắp tới, Philippines sẽ mở thầu NK 500.000 tấn vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, mới đây, Công ty CP Tập đoàn Tân Long đã trúng thầu 60.000 tấn gạo lứt hạt ngắn và 2.800 tấn gạo lứt hạt dài sang thị trường Hàn Quốc, giúp ổn định giá lúa gạo trong nước.
"Ngay từ đầu vụ đông - xuân, khi tình hình XK gạo nếp sang Trung Quốc gặp khó khăn, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị rà soát, cân đối chủng loại hàng hóa ổn định với thị trường. Một số doanh nghiệp kêu gọi người dân chuyển đổi từ lúa nếp sang lúa thường để giảm bớt khó khăn. Đa dạng hóa mặt hàng, thị trường sang Trung Đông, châu Phi để không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là giải pháp duy nhất giúp gạo nói riêng và các mặt hàng XK bớt khó khăn ở thời điểm này" - bà Nguyễn Thị Mai Linh - nhấn mạnh.
Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của nước ta sau 7 tháng với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU; Trung Quốc; ASEAN... |