Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại. Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành dệt may tận dụng FTA hiệu quả.
Đây là vấn đề được ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đề cập trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương |
Là đơn vị trực tiếp đàm phán và theo dõi thực thi các FTA, ông đánh giá như thế nào về việc tận dụng FTA của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp da giày nói riêng?
Bên cạnh những mặt tích cực về kim ngạch xuất khẩu thì ngành da giày còn có "điểm sáng" khi xuất khẩu sang các thị trường FTA là tận dụng rất tốt tỷ lệ sử dụng mẫu chứng thư xuất xứ EURO với gần 100%.
Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất hiệu quả từ FTA. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta hoàn hảo mà cũng cần phải nhìn những điểm tồn tại.
Từ thực tế chúng tôi đã có những buổi tọa đàm, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp da giày ở một số tỉnh thành, đặc biệt là buổi tọa đàm mới đây với TP. Hải Phòng, có thể tổng hợp lại 5 nhóm vấn đề liên quan đến ngành da giày.
Thứ nhất là vấn đề nguồn nguyên liệu. So với một số ngành thì da giày có tỷ lệ tận dụng nguồn nguyên liệu tương đối tốt. Nói tương đối tốt không có nghĩa là tốt hẳn, vì vẫn chưa hoàn toàn làm chủ về nguồn nguyên liệu, vẫn phải nhập khẩu khá nhiều. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu để đảm bảo được cung ứng đủ chất lượng, đủ quy tắc giáo xứ, đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện nay các thị trường FTA cũng đang đặt ra cũng là một vấn đề rất lớn.
Tôi nghĩ đó là "nút thắt" rất lớn với ngành da giày, là lý do tại sao vừa rồi Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đề xuất thành lập trung tâm giao dịch nguyên liệu cho cả ngành.
Thứ hai là thiếu thông tin thị trường, đơn hàng không ổn định. Năm 2023, khi thị trường khó khăn thì đơn hàng của một số doanh nghiệp da giày, dệt may rất bấp bênh. Mặc dù đơn hàng năm nay đã quay trở lại nhưng thực sự chưa ổn định.
Thứ ba là vốn và công nghệ. Đối với một số doanh nghiệp mà FDI thì không lo, nhưng đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì vốn lại là vấn đề quan trọng. Còn vấn đề công nghệ, tôi nghĩ đây chính là một điểm mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu.
Thứ tư đó là cập nhật chính sách.
Cuối cùng là vấn đề thương hiệu. Khách quan mà nói, trong chiến lược phát triển của ngành da giày, chúng ta đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng các thương hiệu có tầm cỡ khu vực, nhưng để làm điều đó không đơn giản, bởi vì đa số hiện nay chúng ta vẫn là gia công. Thế thì làm sao để tạo được một thương hiệu da giày của Việt Nam? Thực tế chúng ta đã có, như Hải Phòng có VENTO, rồi thương hiệu Bitis… nhưng những thương hiệu này cũng gặp khó khăn trong quá trình duy trì thị trường, không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế.
Hiệp định EVFTA đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh minh hoạ |
Được biết, để nâng cao hiệu quả tận dụng FTA, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội triển khai xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA. Ông có thể giới thiệu rõ hơn về những hệ sinh thái này và lợi ích khi tham gia xây dựng, vận hành Hệ sinh thái tận dụng FTA cho doanh nghiệp da giày?
5 nhóm vấn đề tồn tại của ngành da giày như tôi vừa nêu là thực tế đang tồn tại, được tổng hợp từ ý kiến của các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia. Với 5 nhóm vấn đề đó chúng tôi nhận thấy rằng không thể nào chỉ có một hoặc hai chủ thể có thể giải quyết được.
Tôi ví dụ vấn đề liên quan đến vốn thì doanh nghiệp không thể giải quyết triệt để được, phải có sự hỗ trợ từ tổ chức tín dụng. Vấn đề liên quan đến chính sách, kể cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cũng không thể xử lý được vì liên quan đến cơ quan quản lý; thực thi là địa phương, ban hành là Trung ương.
Do đó, để xử lý cả 5 nhóm vấn đề trên phải có sự chung tay của tất cả các chủ thể có liên quan, từ khâu đầu vào, từ bên cung cấp nguyên liệu… làm sao đảm bảo được các tiêu chuẩn, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Rồi đến chuyện xử lý nguyên liệu, gia công và các bên liên quan, kể cả các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối tại thị trường nước ngoài, logistics, tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý…
Tư duy của chúng tôi là đưa tất cả mọi người vào một chỗ, vào trong một hệ sinh thái. Và hệ sinh thái đấy làm thế nào để hiệu quả thì đó là vấn đề xây dựng mô hình kết hợp giữa các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp mà hiện nay chưa có.
Xây dựng một mô hình phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với thực tế cũng là điều chúng tôi đang trăn trở. Vừa rồi chúng tôi đã đề xuất mô hình này đang lấy ý kiến.
Về lợi ích của mô hình này với ngành da giày, tôi nghĩ đầu tiên là sẽ xử lý được những vấn đề đang gặp phải. Ví dụ, doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu nhưng không biết mua từ đâu, không biết ai cung cấp được. Nếu muốn mua phải sang thị trường A, thị trường B để đàm phán và nhiều khi chưa biết được giá cả hay chất lượng như thế nào… Nhưng nếu doanh nghiệp biết rằng trong hệ sinh thái có một công ty cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu thì rất yên tâm nhập. Đó là lợi ích giải quyết được nguồn nguyên liệu, giải quyết được "nút thắt" quan trọng.
Thứ hai, là giải quyết vấn đề về vốn. Chẳng hạn doanh nghiệp muốn nâng cấp hệ thống sản xuất, nhà xưởng nhưng thiếu nguồn vốn thì những tổ chức tín dụng sẽ sẵn sàng hỗ trợ vì doanh nghiệp trong hệ sinh thái đảm bảo những yêu cầu nhất định.
Thứ ba, doanh nghiệp rất quan tâm thị trường này nhưng không biết có quy định cụ thể như thế nào, thì sẽ được cơ quan quản lý cập nhật đầy đủ ngay lập tức. Hoặc những vấn đề liên quan đến hoàn thuế, liên quan đến chính sách doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhưng đôi khi xử lý mất nhiều thời gian hơn, nhưng nếu trong hệ sinh thái sẽ có sự ưu tiên nhất định.
Như vậy chúng tôi cho rằng, với hệ sinh thái đó, những yêu cầu, mong muốn của doanh nghiệp sẽ được xử lý hiệu quả, nhanh chóng và thực tế hơn. Từ đó sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mô hình tận dụng FTA cho ngành da giày nếu được thực hiện thành công rõ ràng có thể giúp nâng cao hiệu quả tận dụng FTA cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để xây dựng thành công không phải điều dễ dàng, xin ông cho biết những thách thức chính khi xây dựng hệ sinh thái này là gì?
Thực tế chúng tôi đã đánh giá đó là việc rất khó, không hề đơn giản và có 3 thách thức chính.
Thứ nhất, để hệ sinh thái này vận hành thì trong cơ cấu tổ chức phải có ban điều hành hoạt động theo hình thức như một công ty độc lập, có Ban giám đốc, có các phòng, ban. Ban điều hành sẽ là "linh hồn" để điều hành, giúp cho các sáng kiến, các kết nối của các chủ thể đi vào cuộc sống.
Muốn có ban điều hành thì phải có nhân sự, văn phòng, trụ sở, có nguồn tài chính để hoạt động. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sẽ có nguồn phí từ đóng góp của các hội viên, còn ở giai đoạn đầu sẽ miễn phí để mọi người thấy lợi ích.
Trong khoảng thời gian miễn phí đó sẽ kiếm nguồn tài chính, tài trợ từ đâu để vận hành? Nguồn ngân sách thì rất khó, vì không có cơ chế. Vì vậy, phải huy động xã hội hoá hay từ nguồn tài trợ quốc tế, chúng tôi hy vọng sẽ làm được.
Thứ hai, để hệ sinh thái hoạt động thì các chủ thể làm việc với nhau phải tuân thủ quy định luật lệ. Ở đây phải có nguyên tắc, "luật chơi" mà ai vi phạm "luật chơi" đấy sẽ bị loại ra ngoài. Nhưng làm thế nào để đảm bảo các chủ thể tuân thủ quy định đấy cũng là một thách thức.
Thứ ba, làm sao khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia một cách tự nguyện và hiệu quả? Muốn khuyến khích, đầu tiên phải cho họ thấy lợi ích khi tham gia mô hình. Tín hiệu tích cực là từ 3 toạ đàm chúng tôi đã tổ chức gần đây, về cơ bản từ những người nông dân đến doanh nghiệp đều sẵn sàng tham gia.
Việc xây dựng hệ sinh thái FTA cho ngành da giày là một giải pháp thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do - Ảnh minh họa |
Việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA là một ý tưởng tham vọng nhưng tiềm năng đem lại cơ hội tận dụng FTA hiệu quả hơn cho doanh nghiệp là khá rõ ràng. Ông có thể cho biết kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới của Bộ Công Thương và làm thế nào để giải quyết được các thách thức nhằm đưa hệ sinh thái này sớm đi vào triển khai hiệu quả trong thời gian tới?
Mô hình chúng tôi đã xây dựng và đang lấy ý kiến ở các tỉnh, thành, hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân. Quá trình này sẽ triển khai đến hết năm 2024, sau đó sẽ tổng hợp tất cả những ý kiến thành dự thảo gửi các bộ, ngành, các tỉnh/thành, hiệp hội có liên quan.
Sau khi tổng hợp, chúng tôi sẽ trình Chính phủ vào khoảng tháng 2/2024, cùng với đó tiếp tục tổ chức họp với các chuyên gia để lấy thêm ý kiến. Chúng tôi kỳ vọng đến tháng 9/2025 hệ sinh thái này có thể bắt đầu hoạt động.
Cũng thú thực, khi chia sẻ mục tiêu này một số hiệp hội, địa phương, họ cho rằng đây là mục tiêu tham vọng nhưng chúng tôi đang tự đặt "sức ép" cho mình và nỗ lực thực hiện.
Bên cạnh đó, từ các thách thức đã xác định, chúng tôi phải nhanh chóng tìm hướng để xử lý.
Ví dụ, đầu tiên về vấn đề tài chính, chúng tôi đang thảo luận với các tổ chức tài trợ, các đại sứ quán và kết quả khá khả quan, bởi vì họ cũng nhận thấy rằng hệ sinh thái này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà có ý nghĩa với chính họ. Giúp họ có được kết nối xuất nhập khẩu hiệu quả ở cả hai chiều.
Thứ hai, chúng tôi phải dự thảo dần các quy tắc hoạt động, quy định hoạt động sao cho dễ hiểu, thực tế để mọi người hiểu và tuân thủ.
Thứ ba, phải xác định rất rõ các lợi ích của từng chủ thể tham gia. Từ cơ quan trung ương, cơ quan địa phương, các tổ chức tài chính, logistics, các hiệp hội, doanh nghiệp… Tức là tất cả mọi người phải thấy rằng, tham gia hệ sinh thái này họ đều có lợi ích, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn sẽ được giải quyết nhanh và hiệu quả.
Hy vọng mọi chuyện suôn sẻ, đạt được mục tiêu đề ra.
Xin cảm ơn ông!