Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam (Vietnam FTA Portal, gọi tắt là Cổng FTAP tại địa chỉ fta.gov.vn) được ví như một công cụ tra cứu các cam kết về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Cùng đó sự ra đời của Cổng FTAP cũng đã gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất thông qua các tính năng quan trọng.
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Cổng FTAP đã trở thành một “địa chỉ đỏ” cung cấp thông tin hữu ích về các FTA, được người dân, doanh nghiệp tìm kiếm và quan tâm hàng đầu. Cổng FTAP được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu, một cách thức mới nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến các FTA.
Với 17 FTA đã ký kết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn mở ra cơ hội lớn cho hoạt động thương mại, đầu tư. Yên Bái là một trong những tỉnh thành phố, đang đẩy mạnh các giải pháp để tận dụng cơ hội từ các FTA.
Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái để làm rõ hơn những lợi ích do FTAP mang lại cho người dân, doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng, đặc biệt là với tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái |
Thưa ông, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh đã có những hoạt động hỗ trợ gì cho doanh nghiệp thực thi các FTA? Và Cổng FTAP đã và đang hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng trên địa bàn tỉnh như thế nào trong quá trình tìm hiểu thông tin về các Hiệp định cũng như các điều khoản cam kết?
Trong thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Công Thương, đặc biệt thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên. Nhờ đó, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn và tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do (FTA) đến đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hội nghị này, nhận thức của cán bộ lãnh đạo và công chức địa phương đã được nâng cao đáng kể. Điều này góp phần thay đổi tư duy quản lý, định hướng phát triển, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh Yên Bái, đồng thời phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu.
Với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh dự kiến chỉ đạt gần 500 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và các chương trình tập huấn, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận và quản lý sản xuất. Nhiều ngành hàng đã được cải tiến để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phù hợp với các hiệp định thương mại quốc tế.
Đặc biệt, các vùng nguyên liệu trọng điểm như vùng trồng quế, chè Shan tuyết hay các cây trồng khác đã chuyển đổi sang sản xuất quy mô lớn, theo hướng sạch và bền vững. Sự liên kết giữa người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đã hình thành, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cổng thông tin FTAP đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, theo khảo sát, việc truy cập và khai thác thông tin từ cổng này tại Yên Bái vẫn còn hạn chế.
Để khắc phục, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên tổ chức thêm các hội nghị tập huấn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp, sở ngành và địa phương sử dụng cổng thông tin này hiệu quả hơn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu và cải thiện công tác quản lý nhà nước của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những thuận lợi thì đâu là những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ các FTA cũng như từ Cổng FTAP của địa phương, thưa ông?
Đối với cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương, những thông tin từ các cổng hỗ trợ như FTAP là rất thiết thực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa thông tin được cung cấp và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Đặc biệt tại Yên Bái, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá chủ quan, mức độ quan tâm đến cổng thông tin như FTAP còn hạn chế. Việc nghiên cứu các lợi thế, chính sách từ các hiệp định thương mại tự do cũng chưa được chú trọng. Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn thường có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Yên Bái thì thường thiếu nguồn lực, đội ngũ truyền thông và nghiên cứu chưa đầy đủ hoặc chưa đảm bảo chất lượng.
Trong thời gian tới, như ông Khanh đã đề xuất, cần tiến hành khảo sát kỹ hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm rõ nhu cầu và mức độ tiếp cận thông tin của họ. Đồng thời, cần điều chỉnh nội dung thông tin trên Cổng FTAP để phù hợp hơn, đảm bảo doanh nghiệp có thể hiểu rõ vị trí của mình và tận dụng tốt các cơ hội mà hiệp định thương mại mang lại.
Về phía địa phương, Sở Công Thương Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên và Báo Công Thương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông về cổng thông tin này. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp đóng góp ý kiến phản hồi, giúp hoàn thiện nội dung và chức năng của cổng thông tin, đảm bảo hiệu quả hỗ trợ ngày càng cao hơn.
Đây sẽ là bước quan trọng trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và phát triển xuất khẩu, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, nơi kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng tiềm năng phát triển vẫn rất lớn.
Từ thực tế triển khai thực thi các FTA, Sở Công Thương Yên Bái có những đóng góp, kiến nghị hay ý tưởng gì để cùng Bộ Công Thương triển khai vận hành tốt hơn Cổng FTAP trong thời gian tới?
Yên Bái, cũng như 63 tỉnh, thành trên cả nước, đều có những tiềm năng và lợi thế riêng. Cổng thông tin FTA đã cung cấp nhiều nội dung hữu ích, nhưng như bà Xuân đã đề xuất, trong tương lai, cần có một đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên sâu. Đội ngũ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tiếp cận và tận dụng tốt các lợi thế, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ý tưởng được đưa ra là cổng thông tin FTA có thể xây dựng các chuyên trang địa phương. Ví dụ, với Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và các tỉnh lân cận, những nội dung tư vấn sẽ tập trung vào khai thác tiềm năng của địa phương như vùng nguyên liệu, cây trồng đặc thù, hay khoáng sản. Cụ thể, Yên Bái có gần 100.000 ha rừng nguyên liệu, 5.000 ha chè, vùng tre Bát Độ, các loại khoáng sản và gỗ rừng trồng – những nguồn lực này đều có tiềm năng lớn để định hướng sản xuất và xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cần nghiên cứu sâu về các FTA để tư vấn giúp tỉnh định hướng ngành hàng chiến lược, xác định thị trường mục tiêu và tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Mặc dù các FTA đã phủ khắp toàn cầu, nhưng với các tỉnh miền núi như Yên Bái, việc tiếp cận thực tế còn nhiều hạn chế do nguồn lực doanh nghiệp còn yếu, khả năng tìm hiểu trực tiếp thị trường nước ngoài chưa cao.
Vì vậy, đề xuất xây dựng một chuyên trang địa phương trên Cổng FTA, dành riêng cho từng tỉnh, sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực. Trang này có thể cung cấp thông tin chi tiết, cập nhật theo tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương và các ngành liên quan định hướng chiến lược phù hợp.
Hy vọng rằng, những ý tưởng mạnh dạn này sẽ được các cơ quan nghiên cứu và xem xét triển khai, góp phần giúp Yên Bái cũng như các tỉnh khác tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại, nâng cao giá trị xuất khẩu và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Vậy thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái sẽ có những hành động như thế nào để cùng Bộ Công Thương cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thụ hưởng tốt nhất lợi ích từ các FTA cũng như Cổng FTAP?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên để tổ chức thêm nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA). Những hội nghị này sẽ hướng tới cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ công chức, và lãnh đạo tỉnh Yên Bái, nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết sâu sắc về các lợi thế mà FTA mang lại.
Đồng thời, chúng tôi mong muốn Vụ Chính sách Thương mại Đa biên có thể ban hành các văn bản hướng dẫn, gửi đến Sở Công Thương Yên Bái cũng như các tỉnh khác, nhằm phối hợp chặt chẽ trong việc phát huy vai trò của Cổng FTAP. Cụ thể, các văn bản này cần khuyến khích doanh nghiệp truy cập Cổng FTAP để tìm hiểu, đồng thời đóng góp ý kiến phản hồi nhằm nâng cao chất lượng và tính hiệu quả của cổng.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Yên Bái sẽ phát hành văn bản gửi tới cộng đồng doanh nghiệp địa phương, yêu cầu tăng cường truy cập và sử dụng Cổng FTAP. Chúng tôi cũng sẽ cung cấp các địa chỉ phản hồi để doanh nghiệp có thể chia sẻ ý kiến và đề xuất. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp các ý kiến này và gửi về Vụ Chính sách Thương mại Đa biên để nghiên cứu, điều chỉnh, đảm bảo Cổng FTAP đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần có các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, để họ có thể tiếp cận và tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Mục tiêu là làm cho Cổng FTAP trở thành một công cụ hữu ích, phù hợp với mọi đối tượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.
Xin cảm ơn ông!