Xung đột thương mại Mỹ - Trung với một nền kinh tế nhỏ và mở cửa: Xem xét trường hợp Malaysia
Thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD nữa sẽ có hiệu lực vào tháng 9 tới. Có rất ít nghi ngờ cho rằng, các cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Các mô hình cho thấy một cuộc chiến thương mại có cả tác động trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là nó làm giảm hoạt động kinh tế toàn cầu thông qua dòng chảy thương mại toàn cầu thấp hơn cũng như tăng chi phí cho các hộ gia đình và nhà sản xuất. Một cách gián tiếp là gia tăng sự không chắc chắn trong đầu tư kinh doanh, làm tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và làm giảm năng suất toàn cầu khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Đối với các nền kinh tế nhỏ và mở cửa thì điều này còn có thể bất lợi hơn, mà Malaysia là một trường hợp như vậy. Malaysia không chỉ là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa mà còn có sự phụ thuộc tương đối cao vào thương mại, phần lớn thương mại đó cũng được tích hợp sâu với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn 82% các doanh nghiệp lớn ở Malaysia và gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Malaysia có mức độ tiếp xúc cao với nền kinh tế Trung Quốc, khi Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn nhất vừa là nguồn khách du lịch hàng đầu của Malaysia. Điều này có nghĩa là sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ có tác động mạnh đáng kể đối với hàng xuất khẩu của Malaysia.
Có ý kiến cho rằng có thể có cơ hội về thương mại và đầu tư được chuyển hướng. Khi các nhà nhập khẩu Mỹ tìm nơi khác để thay thế hàng hóa Trung Quốc, các nhà xuất khẩu khác trong khu vực sẽ được hưởng lợi. Một ước tính về tổng giá trị thương mại toàn cầu sẽ được chuyển hướng mỗi năm để tránh tỷ lệ thuế quan là khoảng 165 tỷ USD. Ngoài ra, hai đợt thuế quan đầu tiên của Mỹ tập trung chủ yếu vào các linh kiện điện và điện tử - những sản phẩm mà Malaysia có lợi thế so sánh trong xuất khẩu.
Có thể dự đoán rằng, các nhà hoạch định chính sách và các quan chức chính phủ đã nhấn mạnh các cơ hội để Malaysia được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng liệu thương mại và đầu tư chuyển hướng có thể bù đắp tác động tiêu cực chung của cuộc chiến thương mại đối với Malaysia? Thực tế là cho đến nay, cơ hội đó không thực sự xảy ra. Có thể đánh giá mức độ thương mại chuyển hướng bằng cách so sánh hiệu suất xuất khẩu trước thuế quan và sau thuế quan bằng dữ liệu của Mỹ về hàng nhập khẩu của Mỹ từ các nền kinh tế xuất khẩu lớn trong khu vực.
Kết hợp dữ liệu nhập khẩu của Mỹ với 7.339 sản phẩm được liệt kê trong cả ba đợt thuế quan của Mỹ cho thấy, đến nay, Malaysia vẫn chưa được hưởng lợi về mặt vật chất từ bất kỳ giao dịch thương mại nào. Trên thực tế, xuất khẩu của Malaysia về cả sản phẩm bị ảnh hưởng thuế quan và phi thuế quan đã giảm trên tổng số, với tổng xuất khẩu sang Mỹ giảm trung bình khoảng 90 triệu USD mỗi tháng.
Thay vào đó, dữ liệu cho thấy các nước láng giềng trong khu vực của Malaysia là những người đã gặt hái được hầu hết các lợi ích từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan dường như là những người hưởng lợi lớn nhất từ lợi nhuận xuất khẩu của các sản phẩm bị ảnh hưởng thuế quan, đặc biệt là xuất khẩu linh kiện điện tử và xe cơ giới. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ lợi nhuận lớn trong xuất khẩu các sản phẩm không bị tác động thuế quan, cũng như xuất khẩu đồ gỗ và thực phẩm.
Tương tự, các dấu hiệu của đầu tư chuyển hướng sang Malaysia bị hạn chế. Các cơ sở dữ liệu đầu tư chính thức đã phê duyệt các dự án mở rộng hoặc đa dạng hóa đã tăng lên trong năm 2018 trong lĩnh vực sản xuất điện và điện tử, máy móc và thiết bị. Nhưng dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính thức cho thấy trong ba quý vừa qua, tăng trưởng FDI của khu vực sản xuất đã giảm ngay cả khi tăng trưởng vốn đầu tư tăng tốc - không phải là bằng chứng rõ ràng về chuyển hướng đầu tư mà các nhà hoạch định chính sách đang hy vọng.
Tất cả các yếu tố đó là bằng chứng cho thấy sự lạc quan về tiềm năng của Malaysia đối với chuyển hướng đầu tư và thương mại có lợi là không đúng chỗ. Điều này cho thấy chính phủ nên đóng vai trò chủ động hơn nhiều trong việc đối phó với các rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy phản ứng tốt nhất đối với cuộc chiến thương mại là dành cho các nước đang phát triển theo đuổi hội nhập thương mại và đầu tư sâu sắc hơn giữa các nước này. Điều này phù hợp với những bình luận được đưa ra vào năm ngoái bởi bà Mari Pangestu, cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, khuyến nghị châu Á ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng bằng cách tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, theo đuổi cải cách đơn phương và duy trì hệ thống thương mại đa phương.
Ở Malaysia, các chuyên gia cho rằng điều này đòi hỏi phải thúc đẩy các nỗ lực cải cách cơ cấu đang diễn ra và tăng cường xúc tiến đầu tư ra nước ngoài - đồng thời thúc đẩy các nỗ lực tự do hóa và hội nhập đang diễn ra trong khu vực bao gồm Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hy vọng về một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Trung trở nên bị thu hẹp và các mối đe dọa về thuế quan của Mỹ đối với nhiều quốc gia hơn, sự không chắc chắn toàn cầu sẽ chỉ tiếp tục gia tăng. Trong khi các yếu tố mơ hồ, bất ổn về thương mại quốc tế là rất khó lường, các nhà hoạch định chính sách ở Malaysia và các nước có nền kinh tế nhỏ, mở cửa nên có sự quan sát kỹ lưỡng hơn trong bối cảnh các xung đột thương mại đang gia tăng ở khu vực và thế giới, để có các hành động phù hợp.