Xuất khẩu tôm sang khối có FTA tăng mạnh, doanh nghiệp mở rộng sản xuất
Xuất khẩu tôm sang khối CPTPP, EU tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng qua tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt 961,9 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy thị trường tôm đang phục hồi khá tích cực kể từ khi các nước đưa vắc-xin vào tiêm đại trà.
Xuất khẩu tôm tăng tích cực. Ảnh minh họa |
Cụ thể, với khối CPTPP, tính đến hết tháng 4/2021 tổng giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 297 triệu USD, chiếm gần 31%, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó chỉ tính riêng tháng 4/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đã tăng gần 6% khi đạt 177,9 triệu USD; tiếp đến là Australia có giá trị xuất khẩu tăng mạnh 177,4%.
Tương tự, tại thị trường EU hồi đầu năm nay, nhiều ý kiến nhận định năm 2021 sẽ là năm nhập khẩu của khối EU giảm nhưng tới nay tình hình lại đảo ngược khi giá trị xuất khẩu 4 tháng vẫn đạt 145,7 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020 và riêng tháng 4/2021 đạt gần 50 triệu USD, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ. Theo VASEP, ngay khi EVFTA có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có mức thuế 12 - 20% đã về 0% như tôm sú đông lạnh. Đây là lý do tác động tới nhà nhập khẩu giúp họ đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu tôm và kéo kim ngạch xuất khẩu ở thị trường này tăng lên.
Ngoài hai thị trường chính kể trên, tại thị trường Mỹ sau khi quốc gia này triển khai vắc-xin đã kéo nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, từ đó tác động rõ rệt đến sức tiêu thụ thực phẩm, bao gồm các sản phẩm tôm. Trong khi đó, đối thủ xuất khẩu tôm của Việt Nam tại Mỹ là Ấn Độ đang gặp khó khăn kép khi chống chọi với dịch Covid và thuế chống bán phá giá 2% cho tôm nước ấm cũng như cáo buộc về lao động cưỡng bức, sử dụng kháng sinh cấm trong ngành tôm nước này. Điều này đã tạo cơ hội xuất khẩu tôm cho doanh nghiệp Việt bởi hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu tương đối lớn của nước ta. Ước tính của VASEP cho biết, tính đến hết tháng 4/2021 tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Là doanh nghiệp có sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm tăng mạnh 25% trong 4 tháng qua, tập trung chính vào Mỹ và EU, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - chia sẻ: Chính sự kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp tôm Việt tận dụng được khoảng trống thị trường khi các đối thủ khác đang phải vất vả gồng mình chống dịch, từ đó kéo giá trị xuất khẩu tăng cao.
Cũng như Thuận Phước, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã đạt tăng trưởng doanh thu và sản lượng trên 30% trong 4 tháng đầu năm nay. Thành quả có được là kết quả quá trình xây dựng thương hiệu và tái cơ cấu tổ chức hoạt động, thêm đầu mối chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ động đón đầu xu thế
Theo VASEP, trong năm 2021 ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Dự báo này dựa trên cơ sở tiêu thụ ở các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng trở lại.
Tìm cơ hội kinh doanh trong bối cảnh trên, Thực phẩm Sao Ta có nhiều giải pháp kịp thời như: Mở rộng khu trữ nước nuôi, nâng đáy ao nuôi, cung ứng oxy và cách thức cho ăn cũng thay đổi, an toàn sinh học trại luôn được đề cao... Bên cạnh đó, Sao Ta cũng nhanh tay tranh thủ thời cơ với 2 nhà máy trong Khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng, thi công cùng lúc từ năm 2020 với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Hiện tại nhà máy đang thi công hạ tầng và dự kiến sẽ sớm được đưa vào hoạt động.
Cũng trong xu thế mở rộng này, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có kế hoạch khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Công ty CP thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hải) đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và an toàn thực phẩm cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu.
Riêng với Thuận Phước, ông Trần Văn Lĩnh cho biết, ngay đầu năm 2021 công ty đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3ha, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Nhà máy này có công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm ngày và hệ thống kho lạnh công suất 3.000 tấn. Đồng thời, An An có vùng nuôi tôm 200 hecta tại Ba Tri, Bến Tre. Đây sẽ trở thành vùng trọng điểm lý tưởng, phù hợp cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm. “Năm nay chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu đạt 130 triệu USD, tăng 30% so với năm 2020. Do đó ngay từ đầu năm chúng tôi đã đưa vào hoạt động nhà máy mới, mở rộng thêm cơ sở đang hoạt động để nâng công suất, đáp ứng các đơn hàng tăng cao” - ông Lĩnh cho biết.
Cùng với việc chủ động vùng nguyên liệu, mở rộng công suất nhà máy, các doanh nghiệp tôm cho biết đang tối ưu hóa mọi hoạt động, tiết giảm những chi phí không cần thiết để ứng phó trước tình hình căng thẳng của cước tàu biển. Đặc biệt, việc đảm bảo an toàn hoạt động trong bối cảnh Covid đang phức tạp như hiện nay cũng được các doanh nghiệp siết chặt.