Xin ông cho biết, xu hướng trao đổi thương mại giữa hai nước, cơ cấu mặt hàng diễn biến thế nào trong thời gian gần đây và xu hướng đó sẽ có sự thay đổi như thế nào trong tương lai, trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế toàn cầu?
Giới thiệu hàng Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ |
Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu (XK) của Việt Nam do quy mô kinh tế lớn, nhu cầu tiêu dùng cao. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng XK của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp (khoảng 0,5%), nhiều mặt hàng của Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp, ngoại trừ hạt tiêu, hạt điều, xơ sợi, cao su.
Có một thực tế đáng buồn là hầu như không thể tìm thấy hàng hóa Việt Nam có thương hiệu tại thị trường sở tại. Hầu hết hàng hóa XK dưới dạng không có thương hiệu riêng, các nhà nhập khẩu phân phối sử dụng thương hiệu của họ. Nhiều người tiêu dùng tại đây không biết đang sử dụng hàng hóa của Việt Nam hoặc chỉ biết hàng hóa của các hãng lớn sản xuất tại Việt Nam. Đa phần hàng hóa của Việt Nam XK vào thị trường này là của các hãng đa quốc gia và đều là những mặt hàng tiêu dùng cao cấp (như điện thoại, quần áo, giầy dép, các thiết bị điện tử cao cấp…) hoặc chỉ là nguyên liệu sản xuất (xơ sợi, vải, cao su…) hoặc sản phẩm thô (hạt tiêu, hạt điều, quế…) hoặc sản phẩm trung gian như cơm dừa…
Về tác động của dịch Covid-19, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng. Tuy nhiên, XK của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó khăn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng cao cấp của các hãng đa quốc gia như điện thoại, hàng điện máy. Ngược lại, một số mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất như cao su, xơ sợi có thể tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng các đơn hàng XK của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, các sản phẩm XK của Việt Nam có chỉ dẫn địa lý cũng có thể phát triển thương hiệu riêng, nhưng cần đầu tư vào công tác xây dựng thương hiệu và giới thiệu về chỉ dẫn địa lý.
Như ông chia sẻ, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp nhẹ, hàng hóa Việt Nam hiện diện tại đây với thương hiệu riêng là vấn đề không đơn giản. Vậy làm thế nào để DN Việt có thể thâm nhập vào thị trường đầy cạnh tranh này?
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp khá phát triển, với nhiều ngành có thế mạnh tương tự như Việt Nam, tuy nhiên, chi phí sản xuất lại cao hơn. Đặc biệt, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn nhập khẩu do vị trí địa lý nằm giữa 3 châu lục và nằm sát châu Âu. Trong khi đó, các DN sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất. Vì vậy, các DN Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, thì mới thâm nhập vào thị trường này dễ dàng.
Còn đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giầy, … các DN Việt cần tìm kiếm những thị trường ngách, có lợi thế so với các DN sở tại, nắm bắt xu hướng tiêu dùng và chính sách để tìm mặt hàng phù hợp. Ví như sau khi Thổ Nhĩ Kỳ có chính sách hạn chế tiêu dùng bao gói, túi đựng từ nhựa thì một số DN Việt Nam đã có thể bán các loại ống hút từ vật liệu có nguồn gốc hữu cơ, nguồn gốc tự nhiên hoặc các loại bao bì tự tiêu hủy.
Với các mặt hàng thực phẩm, DN nên tìm hiểu đặc tính tiêu dùng của nước sở tại để điều chỉnh cho phù hợp. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có tỷ lệ người Hồi giáo gần như tuyệt đối, không yêu cầu các loại thực phẩm cần có chứng chỉ Halal, nhưng nếu có thì dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn hơn.
Ông Lê Phú Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ trao đổi với các đối tác |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay đang khiến hoạt động XK của DN Việt Nam gặp khó, đặc biệt đối với một số thị trường lớn như Mỹ và EU, Thương vụ tại nước sở tại đã có những hành động cụ thể nào để hỗ trợ trong nước tìm kiếm thị trường mới?
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tìm biện pháp hỗ trợ DN bằng cách trực tiếp đáp ứng các nhu cầu về XK và nhập khẩu.
Cụ thể, Thương vụ theo dõi sát tình hình sở tại, nắm bắt những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, báo cáo về Bộ và thông tin cho các DN kịp thời ứng phó, đặc biệt là quy định cấp giấy phép XK đối với các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, đánh giá thị trường, lựa chọn mặt hàng có tiềm năng để hỗ trợ DN chuyển hướng thị trường XK và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý cách trở, biến động trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, nên không có nhiều đơn hàng được chuyển hướng sang thị trường này.
Thứ hai, Thương vụ đã tích cực liên hệ với các đơn vị nhập khẩu nông sản sở tại và hỗ trợ liên hệ với các DN XK hoa quả tươi như dừa tươi, thanh long, vải …
Thứ ba, Thương vụ đã tìm kiếm và hỗ trợ các DN nhập khẩu các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Kết quả một số hợp đồng nhập khẩu khẩu trang, nguyên liệu sản XK trang, vải không dệt may bộ quần áo kháng khuẩn đã được ký kết và giao hàng về Việt Nam bằng đường hàng không. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 3, nước sở tại đã áp đặt giấy phép XK với các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang, bộ quần áo chống dịch, sau đó đến giữa tháng 3 tiếp tục bổ sung các mặt hàng như nguyên liệu may khẩu trang, máy thở... Do đó, việc ký kết hợp đồng các mặt hàng này trước đó đã bị hủy bỏ.
Xin cám ơn ông!
Vào cuối tháng 4, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Ban Quan hệ Kinh tế đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) tổ chức giao lưu trực tuyến để xúc tiến thương mại. Hiện có 30 DN Việt Nam tham gia. |