Tăng cường liên kết kinh tế ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia Hải quân Việt Nam - Campuchia tuần tra chung lần thứ 78 Kinh tế Campuchia tăng trưởng, doanh nghiệp Việt đón thời cơ mới |
Cách Thủ đô Campuchia chỉ khoảng một giờ lái xe, có một nhà máy sữa mang tên Việt Nam âm thầm lớn lên và trở thành một biểu tượng của sự gắn kết bền vững giữa hai nền kinh tế láng giềng. Đó chính là Công ty Sữa Angkor Milk - “đại sứ thương hiệu” mang đậm dấu ấn Vinamilk trên đất nước Chùa Tháp.
Công ty Angkor Milk được cấp phép hoạt động tại Campuchia vào tháng 10/2013. Quá trình xây dựng nhà máy bắt đầu từ tháng 5/2014. Mặc dù được khánh thành tháng 5/2016, nhưng sản phẩm thương mại đầu tiên đã bắt đầu có mặt trên thị trường Campuchia kể từ tháng 9/2015.
![]() |
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cùng khách mời tham quan Công ty Angkor Milk. Ảnh: Việt Phương |
Chỉ sau chưa đầy 10 năm hoạt động, từ khi chính thức ra mắt thị trường Campuchia vào tháng 9/2015, Angkor Milk đã nâng thị phần từ 6% lên hơn 30%. Một con số biết nói, trong một thị trường cạnh tranh gay gắt, phản ánh sự bài bản trong chiến lược, sự nghiêm túc trong đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng Campuchia vào chất lượng sản phẩm Việt Nam.
Với số vốn ban đầu hơn 21 triệu USD, trải rộng trên 3ha, đến nay tổng vốn đầu tư đã gần chạm mốc 52 triệu USD và diện tích nhà máy, kho xưởng tăng gấp đôi, lên 6ha. Doanh thu năm 2024 đạt trên 80 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động, trong đó người Campuchia chiếm đa số.
Công ty không chỉ là điểm sáng về sản xuất, kinh doanh mà còn là một trong những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiếm hoi tại Campuchia được trao “tem vàng” - biểu trưng cho mức độ tuân thủ chính sách thuế ở mức cao nhất, với mức đóng góp ngân sách địa phương khoảng 13 triệu USD/năm.
Chia sẻ với Thương vụ Việt Nam tại Campuchia trong chuyến công tác mới đây, ông Nguyễn Hữu Định - Giám đốc Angkor Milk - khẳng định, định hướng xuyên suốt của doanh nghiệp là đồng hành cùng cộng đồng, phát triển bền vững dựa trên công nghệ hiện đại, chú trọng yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội.
“Chúng tôi không bán sữa - chúng tôi chia sẻ những giá trị dinh dưỡng và văn hóa tiêu dùng có trách nhiệm” - ông Định nhấn mạnh.
Cũng trong chuyến công tác, đoàn công tác thương vụ đã được chứng kiến các quy trình sản xuất hiện đại, từ xử lý nhiệt, đóng gói, đến kiểm nghiệm sinh hóa trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm sữa chua thốt nốt - dòng sản phẩm bản địa hóa cao - đã trở thành biểu tượng riêng của Angkor Milk tại Campuchia, thể hiện sự thấu hiểu và đáp ứng tốt khẩu vị của người tiêu dùng sở tại.
Angkor Milk không chỉ là một thương hiệu sữa, mà còn là minh chứng sống động cho chính sách “đầu tư đi cùng hội nhập”, là mô hình kiểu mẫu trong dòng chảy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Campuchia.
Trong bối cảnh khu vực ASEAN ngày càng hội nhập sâu rộng, những “doanh nghiệp tiên phong” như Angkor Milk chính là lực đẩy quan trọng đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới - bền bỉ, trách nhiệm và đáng tin cậy.