Thứ hai 05/05/2025 04:24

Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do chịu tác động bởi dịch Covid- 19

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 1/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 01/2019. Xuất khẩu hàng rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh còn do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid- 19).    

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.

Cục Xuất Nhập khẩu- Bộ Công Thương cho hay, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020. Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid- 19 khiến các cửa khẩu biên giới tạm thời đóng cửa.

Tháng 1/2020: Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do chịu tác động bởi dịch Covid- 19

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã khuyến cáo ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, trước mắt làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long (đây là loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn nhất).

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác, cần tăng sản lượng trái cây phù hợp với các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác như: Hoa Kỳ, các thị trường trong khối EU, Nhật Bản, Úc...

Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó thì xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác như: Thái Lan, Lào, Đài Loan và Nga tăng rất mạnh trong tháng 1/2020. “Mặc dù xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường như: Hàn Quốc , Hoa Kỳ, Nhật Bản giảm trong tháng 1/2020, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này vẫn tăng so với tháng 1/2019”, Cục Xuất nhập khẩu thông tin.

Trung Quốc thường phải nhập khẩu một số loại trái cây tươi để cung cấp cho nhu cầu tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, do Covid- 19, một số đường biên giới đã bị đóng hoặc chịu sự kiểm soát chặt chẽ, làm hoạt động nhập khẩu bị chậm lại. Không chỉ Việt Nam, hầu hết các nước châu Á có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc đều chịu tác động của Covid- 19. Myanmar là nước xuất khẩu dưa hấu lớn sang Trung Quốc, có tình trạng các xe tải chở dưa hấu bị kẹt ở biên giới. Chính quyền Myanmar đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, và hỗ trợ việc kéo dài thời gian lưu trữ dưa hấu. Xuất khẩu sầu riêng của Malaysia sang Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng khi lượng đơn đặt hàng giảm. Đơn đặt hàng trái cây của Úc từ Trung Quốc cũng giảm so với thông lệ hàng năm trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán của Trung Quốc. Xuất khẩu trái cây của Chile sang Trung Quốc, chủ yếu là cherry, cũng chậm lại do đơn đặt hàng giảm. Chile đang cố gắng chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác trong khu vực châu Á để giảm tổn thất. Trong khi đó, một công ty của New Zealand lại nhận được nhiều đơn đặt hàng trực tuyến đối với táo hữu cơ và tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn thuận lợi.

Tại Trung Quốc, Covid- 19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường trái cây. Doanh thu bán lẻ trái cây tại Trung Quốc đã được cải thiện sau khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước này bắt đầu trở lại từ ngày 10/2/2020. Tuy nhiên, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các loại trái cây địa phương như táo, lê, cam, quýt...

Thực tế nông sản Việt Nam đã nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam – cho rằng: Để tránh thiệt hại cho người nông dân khi cung vượt cầu, mặt hàng nào sản xuất trái vụ nên hạn chế, giảm bớt qui mô để khống chế số lượng quá nhiều. Ngoài ra, cần có sự nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong đó, EU là một trong những thị trường tiềm năng khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa chính thức được phê chuẩn.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu rau quả

Tin cùng chuyên mục

Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

Doanh nghiệp Việt nửa thế kỷ vươn mình: Bài 2: Cần 'cuộc cách mạng' để kinh tế tư nhân bứt phá

Xuất khẩu nông sản sang EU: Không phải lượng mà là chất

Chinh phục thị trường Nhật Bản: Cơ hội nâng cao giá trị gạo Việt

Từ nhập siêu tới xuất siêu: Dấu ấn nửa thế kỷ hàng Việt hội nhập

Bộ Công Thương thu hồi 10 giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo

Quy định hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2025

Rủi ro thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng tránh ‘bẫy’

Tân Cảng Container khẳng định vị thế M&R Isotank tại Việt Nam

Danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến 28/4/2025

Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Thị trường Halal Indonesia: Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Xuất khẩu sầu riêng: Gắn với vùng trồng an toàn

Xuất khẩu tôm: Cần xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng

Xuất khẩu gạo, cơ hội từ thị trường châu Phi

Xuất khẩu yến thô: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu Gia Lai: Bứt tốc với những con số ấn tượng

Chùm ảnh: Hội thảo 'Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'

Cà phê, trà và trái cây Việt đón cơ hội từ Kazakhstan

Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam