Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 không thể hoàn thành mục tiêu
Xuất khẩu gỗ tăng trở lại
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 0,9% so với tháng 10/2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 790 triệu USD, tăng 4% so với tháng 9/2023 và tăng 0,3% so với tháng 10/2022.
Mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 được nhận định không thể hoàn thành |
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,3 tỷ USD, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, thách thức nhiều hơn so với dự báo như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Nga và Ukraine vẫn gay gắt, gần đây là xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Hoạt động xuất, nhập khẩu tại nhiều thị trường bị thu hẹp.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nhiều thị trường trong đó có Việt Nam.
Trước những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu, bởi nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khả quan.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của cả nước, gỗ là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, do tổng cầu giảm bởi tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều thị trường tiêu thụ gỗ lớn, khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này liên tục suy giảm kể từ đầu năm 2023. Đáng chú ý, trong những tháng gần đây hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đang có xu hướng phục hồi tích cực.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Cùng với đó, nhiều khách hàng Hoa Kỳ, châu Âu gặp khó ở thị trường Trung Quốc nên tìm kiếm thị trường khác, tìm nhà cung cấp mới để thay thế, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đã tăng mạnh trở lại trong tháng 9/2023, góp phần thu hẹp mức giảm trong 9 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ghế khung gỗ trong tháng 9/2023 đạt 229 triệu USD, tăng 19,6% so với tháng 9/2022. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp theo là mặt hàng dăm gỗ đạt 206 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng 29,1% so với tháng 9/2022; tính chung 9 tháng đầu năm 2023, đạt 1,6 tỷ USD, giảm 16,5%. Xuất khẩu
Gỗ, ván và ván sàn đạt 148 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng 38,2% so với tháng 9/2022; tính chung 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15%...
Ngành gỗ còn đối diện nhiều khó khăn
Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,7%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cùng với việc nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu giảm.
Do đó, mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm 2023 không thể hoàn thành. Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng hơn 4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 13,6 tỷ USD đến 14 tỷ USD.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đánh giá: "Nếu lấy doanh số xuất khẩu 6-7 tháng đầu năm thì mục tiêu từ nay đến cuối năm tăng trưởng đạt con số xuất khẩu 16-17 tỷ USD là khó. Tôi cho rằng, con số 15 tỷ USD là khả thi hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, không chỉ riêng với ngành gỗ thì đây vẫn là con số cần được ghi nhận".
Tiềm năng mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới là rất lớn, bởi quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới lên tới 200 tỷ USD. Mặc dù Việt Nam dù nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới, nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm.
Do đó, hiện tại các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành gỗ như: áp dụng công nghệ, chủ động nguồn nguyên liệu nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành; tìm cách tiếp cận với những thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu…