Thứ năm 07/11/2024 17:27

Xuất khẩu giày dép: Tăng nhưng chưa hết lo

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm giày dép 2 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ nhưng đây vẫn chưa phải là dấu hiệu khởi sắc khi đơn hàng của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.

Giày dép là một trong số các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá trong 2 tháng đầu năm với 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng hiện trạng đơn hàng của doanh nghiệp thời điểm hiện tại.

Ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Hà Nội - phân tích: Kim ngạch này chủ yếu xuất phát từ các đơn hàng được sản xuất và xuất khẩu trước Tết Nguyên đán năm 2021. Thời điểm này đơn hàng bắt đầu đi xuống do qua đợt cao điểm đặt hàng.

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giày dép thời trang đang rất khó khăn về đơn hàng. Chỉ có doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giày thể thao cho các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas đơn hàng còn tương đối ổn định. Giá đơn hàng vẫn duy trì như năm 2020 và rất thấp. Đơn hàng của Công ty CP Cao su Hà Nội cũng chỉ đủ để sản xuất đến hết tháng 2, sang tháng 3 còn rất ít.

“Doanh nghiệp phải giảm thời gian sản xuất, chuyển một phần sang sản xuất giày nội địa. Mặc dù phải tồn kho nhưng vẫn phải làm để giữ việc làm cho người lao động và chờ dịch bệnh được kiểm soát, đơn hàng xuất khẩu về nhiều hơn”, ông Việt cho hay.

Năm 2021, Công ty CP Cao su Hà Nội đặt mục tiêu đạt doanh thu 200 tỷ đồng, tuy nhiên nếu dịch bệnh cũng như đơn hàng chưa có tiến triển khả quan hơn, nhiều khả năng doanh nghiệp phải điều chỉnh hạ mục tiêu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu giày dép đang thiếu đơn hàng sản xuất

Tình hình đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp ngành da giày được bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho rằng rất khó để tiên lượng: Năm 2021 thị trường thế giới đang rất phức tạp, tín hiệu khôi phục chưa tốt, khách hàng chưa rõ nét. Đặc biệt, khả năng bị áp thuế chống bán phá giá từ thị trường Mỹ vẫn đang bỏ ngỏ là những yếu tố không mấy tích cực tác động lên xuất khẩu của ngành. Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu bị đội lên ngày càng cao khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.

Năm 2020, ngành da giày đạt 90% kế hoạch xuất khẩu và bằng kim ngạch năm 2018, theo bà Xuân, con số này không quá tệ. Bởi năm vừa qua, tổng cầu của thị trường da giày thế giới giảm tới 22%, các nhãn hàng cắt giảm tới 40-50% lượng đơn hàng trên toàn cầu. Số đơn hàng còn lại, được tái cấu trúc từ các quốc gia sản xuất, rất may Việt Nam kiểm soát dịch tốt nên đơn hàng được chuyển về và chúng ta không bị quá suy giảm. Nếu dịch bệnh tại các thị trường trọng điểm được kiểm soát tốt, cộng với các ưu điểm sẵn có da giày Việt Nam không quá khó khăn trong thu hút đơn hàng. Đặc biệt, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đi vào thực thi tạo sức hấp dẫn đáng kể thu hút nhãn hàng tới Việt Nam. Đây là những điểm cộng cho xuất khẩu của ngành da giày năm 2021.

Để trợ sức cho các doanh nghiệp da giày vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, theo bà Xuân, hiệp hội tiếp tục tham vấn tới Chính phủ, Bộ Công Thương các chính sách hỗ trợ thiết thực. Hướng doanh nghiệp nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo thiết kế, thủ tục xuất nhập khẩu bởi tham gia các FTA thủ tục có nhiều thay đổi. Đào tạo về các thể chế, chính sách ban hành mới cho doanh nghiệp để cập nhật, thực thi có hiệu quả. Các chương trình đào tạo sẽ đi vào chiều sâu, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội.

“Cơ hội từ các FTA là có nhưng cực kỳ khắc nghiệt, nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về môi trường, phát triển bền vững, nguyên liệu đầu vào thì rất dễ bị loại bỏ. Chưa kể tới các điều kiện về trình độ công nghệ, nhân lực”, bà Xuân chia sẻ.

Ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Hà Nội: Chính phủ cho chậm nộp một số khoản phí như thuế, thuế đất… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại.
Việt Nga

Tin cùng chuyên mục

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến gần mốc 170 tỷ USD sau 10 tháng

Hà Nội: Khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Quốc Oai năm 2024

Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Thương mại điện tử không chỉ phát triển mạnh ở thành phố lớn mà đã vươn tới vùng sâu, vùng xa

Hơn 400 gian hàng tham gia Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền toàn quốc năm 2024

Hải Phòng: Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 12,15 tỷ USD trong tháng 10/2024

Hà Nội: Người dân thích thú nếm hương vị quốc tế tại Triển lãm thực phẩm lớn nhất Việt Nam

Nền tảng hợp cộng thương mại truyền thống và thương mại điện tử: Giải pháp HKDO cho hộ kinh doanh Việt Nam

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada tăng trở lại

Ngày 21/11 diễn ra sự kiện ‘Thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024’

Khai mạc Triển lãm kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số thành phố Hà Nội 2024

Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh

Mời tham dự Hội nghị Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Mỹ

Đoàn doanh nghiệp Việt tham gia Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 7

Những lưu ý khi doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Á

Hải Phòng: Hơn 300 người tham gia lớp tập huấn quy định pháp luật về thương mại điện tử

Doanh nghiệp Việt Nam đạt Thương hiệu quốc gia: Tiên phong bước vào kỷ nguyên xanh

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt ShopeePay 25 triệu đồng

Mộc Châu Milk lần thứ 2 vinh dự được công nhận Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024

Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng kỷ lục trong 10 tháng năm 2024