Thứ hai 23/12/2024 08:51

Xuất khẩu gạo trong bối cảnh nhiều quốc gia đang "đóng cửa": Tại sao phải từ chối cơ hội từ thị trường?

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, câu chuyện chính sách sẽ tác động hai chiều. Với Việt Nam, cơ hội thị trường là rất lớn, chúng ta có để tuột mất cơ hội này?

Gần 1 tháng sau khi Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 cấm xuất khẩu gạo tất cả các loại phi basmati, có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành, thị trường lúa gạo thế giới và ngay tại Việt Nam trở nên rất “nóng”.

Các chuyên gia nhận định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra số liệu dự kiến xuất khẩu 7,5-8 triệu tấn gạo năm nay là hoàn toàn khả thi.

Bởi sau Ấn Độ, một số nước khác cũng đã đưa ra những lệnh cấm như Nga, UAE, hay Thái Lan đã yêu cầu nông dân cắt giảm vụ lúa 2023 chỉ còn vụ hè thu để tiết kiệm nước, tránh thất thoát, thay vào đó chuyển sang cây trồng chịu hạn khác. Các nước đưa ra lệnh cấm đều với lý do bình ổn giá và kiềm chế lạm phát.

Tình hình thị trường thương mại gạo cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường.

Trong bối cảnh chung của thị trường, chính sách của Việt Nam – một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới được đưa ra sẽ tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo toàn cầu.

Trong lĩnh vực ngành Công Thương, chỉ đạo xuyên suốt của Tư lệnh ngành Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đó là tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực quốc gia.

“Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm diễn ra tại Cần Thơ sáng ngày 4/8.

Liệu Việt Nam có đi ngược các nước khác? Việc vừa tận dụng thời cơ về giá nhưng vừa phải đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia có là bài toán khó?... Rất nhiều câu hỏi được đưa ra lúc này.

Tuy nhiên, theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam chúng ta có cơ sở để làm việc này. Bởi lẽ, với Nghị quyết 120/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nên Việt Nam có nhiều nét khác biệt.

Nội dung nghị quyết này là quy hoạch lại vùng sản xuất, tránh tai họa biến đổi khí hậu, El Nino. Nước ta thuận theo thiên nhiên, dù biến đổi khí hậu và El Nino nhưng tránh được hậu quả thiên tai, không bị ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, vùng an ninh lương thực của nước ta chạy dọc theo các tỉnh biên giới Việt Nam từ An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Long An... Các tỉnh này rất xa biển, không bị nhiễm mặn, nước sông Cửu Long cung cấp đầy đủ nên lúa xanh tốt quanh năm.

Đồng bằng sông Cửu Long có thuận lợi là canh tác lúa 3 vụ, kỹ thuật trồng lúa ở đây các nơi khác và trên thế giới không làm được. Lúa các nơi khác canh tác phải mất 4 tháng mới có thu hoạch, cây lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ hơn 3 tháng là thu hoạch. Ngoài lúa bán cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nông dân còn tích trữ đủ dùng tới mùa vụ sắp tới. Ấn Độ, Thái Lan không làm được như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giá gạo xuất khẩu tăng hiện nay còn do chịu tác động bởi xung đột Nga - Ukraine. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Nga - Ukraine không còn nên ảnh hưởng xấu đến nguồn lương thực, thực phẩm thế giới. Đây cũng là cơ hội để gạo Việt Nam vươn lên trong xuất khẩu. Điều này góp phần đẩy giá gạo Việt Nam tăng từ 450 USD/tấn lên 600 USD và cao hơn nữa nếu thế giới tiếp tục khan hiếm gạo.

Tất nhiên, không phải chỉ toàn là thuận lợi. Giá gạo xuất khẩu tăng, đẩy giá gạo trong nước tăng và sẽ ảnh hưởng đến bộ phận người dân, người lao động, tầng lớp lao động ăn lương. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp "than" khó khi ký hợp đồng với nước ngoài trước đây giá thấp, nay mua lúa gạo với giá cao, khó mua số lượng lớn.

Tuy nhiên, kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng và trong bối cảnh thị trường biến động quá nhanh trong lúc này thì việc kinh doanh lại càng không dễ.

Đây là cơ hội “vàng” để gạo Việt khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường thế giới

Khi nguồn cung lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu chủng loại gạo chiếm 80% tổng lượng xuất khẩu đã gây tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung, ảnh hưởng đến 140 quốc gia.

Các chuyên gia lo ngại khả năng một loạt nước sẽ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo, đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… và các nước sản xuất ngũ cốc khác: ngô, đậu tương.

Nếu việc này xảy ra, khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng trên toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực vốn đã bị ảnh hưởng do Covid 19 như châu Phi.

Trở lại với Ấn Độ, trong bối cảnh các nhà sản xuất gạo ở Ấn Độ thường là nông dân, hộ gia đình nhỏ, được Chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách như trợ cấp, lệnh cấm sẽ khiến thu nhập nông thôn suy giảm, có khả năng gia tăng tình trạng phân chia giàu nghèo thành thị - nông thôn.

Về dài hạn, lệnh cấm xuất khẩu sẽ khiến khu vực sản xuất thu hẹp trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp của Ấn Độ vẫn còn quá lớn (hơn 40%), gây ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Mỗi quốc gia sẽ có những chiến lược, quyết sách và có lý do riêng.

Và với Việt Nam, các chuyên gia khẳng định, gạo Việt Nam an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng rất tốt và được khách hàng thế giới ưa chuộng. Một chính sách vẹn tròn là mang lại lợi ích tương đối cho tất cả các bên, từ nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và người tiêu dùng cuối cùng.

Sự biến động nhanh, mạnh của thị trường cũng là cơ hội để doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tăng cường liên kết, từ đó giúp nông dân sản xuất ra sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn xuất khẩu, chất lượng cao, giá tốt.

Đó cũng là điều kiện nông dân và doanh nghiệp gạo tăng thu nhập từ mặt hàng lúa gạo. Đảm bảo an ninh lương thực và quanh trọng hơn cả đó là cơ hội để gạo Việt tạo uy tín, nâng hình ảnh, thương hiệu trên thương trường thế giới.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024