Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng cả lượng và giá trị
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam tháng 3/2022 đạt 531 nghìn tấn, kim ngạch đạt gần 263 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 17,7% về giá trị so với tháng trước.
Tổng 3 tháng đầu năm 2022, XK gạo Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu tấn, giá trị đạt hơn 730,7 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo XK của Việt Nam thời gian gần đây duy trì trên mức 400 USD/tấn. Đặc biệt trong 2 tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4, gạo của Việt Nam ở phân khúc gạo 5% tấm đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, lên mức 415 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan (406 USD/tấn).
Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam tăng lên mức 395 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn gạo Thái Lan (404 USD/tấn). Còn với gạo 100% tấm, gạo Việt Nam tăng lên mức 360 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với gạo Thái Lan (404 USD/tấn)…
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam |
Tại thị trường trong nước, theo tìm hiểu của PV, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang cuối vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2021 - 2022, nguồn cung dồi dào nên giá lúa có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước.
Cụ thể, tại Đồng Tháp, tuần đầu tháng 4, lúa chất lượng cao tại ruộng có giá 6.000 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg so với tuần trước), giá lúa thường IR 50404 tại ruộng giá 5.200 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg so với tuần trước).
Còn tại An Giang, ngày 14/4, lúa IR50404 có giá 5.600 - 5.700 đồng/kg; lúa Jasmine ở mức 5.700 - 5.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 ở mức 5.800-6.000 đồng/kg; lúa OM5451 có giá 5.500 - 5.700 đồng/kg…
Theo VFA, Thái Lan và Ấn Độ là 2 nguồn cung chính ảnh hưởng đến thị trường thương mại gạo thế giới năm 2022. Chính phủ Thái Lan dự báo XK gạo nước này năm 2022 vào khoảng 7 - 7,5 triệu tấn (năm 2021 là 6,3 - 6,5 triệu tấn; năm 2020 là 5,72 triệu tấn).
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo, XK gạo của Thái Lan năm 2022 tăng mạnh nhờ giá chào cạnh tranh. Đối với Ấn Độ, năm 2021 nước này XK 18 triệu tấn gạo các loại, và nguồn cung này dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc có khả năng duy trì mức độ nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường tỷ dân của mình.
Một số thị trường mới nổi cũng được dự báo tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay như Bangladesh, Iran, Sri Lanka… Thị trường châu Âu cũng dự báo sôi động hơn trong thời gian tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, trong khi thị trường châu Phi vẫn ổn định…