Xuất khẩu điều đón những tín hiệu tích cực
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 4/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 43 nghìn tấn với giá trị 281 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 137 nghìn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 36,8%, 11,9% và 6,9% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Saudi Arabia gấp 2,4 lần, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Trung Quốc, giảm 46,7%.
Xuất khẩu điều đón những tín hiệu tích cực |
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 7.044 USD/tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 4/2020 ước đạt 105 nghìn tấn với giá trị đạt 132 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 293 nghìn tấn và 413 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu tháng 4/2020 diễn biến tăng so với tháng trước. Cụ thể, điều khô mua xô tại Đắk Lắk giữ ở mức 29.000 đồng/kg trong suốt tháng; tại Đồng Nai giá điều thô ổn định ở mức 46.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá hạt điều nguyên liệu tăng từ 24.000 đồng/kg lên 28.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, trong tháng 4 giá điều nhân tăng 330 - 440 USD/tấn đối với mã W320 và mã W240. Tại thị trường châu Âu giá điều W240 giao động từ 6.944 – 7.275 USD/tấn, giá điều W320 từ 6.062 – 6.618 USD/tấn và giá điều W450 từ 5.511 – 6.062 USD/tấn. Giá điều cho đơn hàng giao vào tháng 5, tháng 6/2020 của mã W180 là 8.700 USD/tấn, mã W210 là 8.200 USD/tấn, mã W240 là 7.800 USD/tấn và mã W320 là 7.300 USD/tấn. Mặt hàng điều vỡ nhỏ mã SP hầu như không bán được vì hiện tại giá điều nhân quá rẻ.
Tại EU, các nhà nhập khẩu đang có nhu cầu mua hàng cao để dự trữ vì lo lắng đại dịch Covid- 19 lan rộng ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ. Dự báo, giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước EU tăng nhu cầu dự trữ điều, bên cạnh đó Trung Quốc đang dần phục hồi nền kinh tế khi đại dịch Covid- 19 được kiểm soát tốt.
Hiện một số khách hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy giao hàng sớm nhất có thể do lo ngại việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu có thể gặp khó khăn, cước tàu vận tải tăng cao.
Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều không nên ký các hợp đồng xa khi chưa mua được điều thô vì sau khi dịch Covid- 19 được kiểm soát, giá có thể tăng trở lại, cùng với đó rủi ro sẽ rất cao nếu các nhà chế biến cố gắng mua điều thô từ châu Phi trong khi không có hợp đồng điều nhân hoặc phương án tính toán để bán lại, khuyến nghị chỉ mua điều thô khi có thể bán điều nhân ngang giá, bên cạnh đó cần chú ý kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp chế biến nên thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Các nhà máy chế biến hạt điều Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến thị trường, đồng thời cũng nên có kế hoạch chuẩn bị cho năm 2021.