Hậu Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ tận dụng tốt EVFTA? Xuất khẩu cá tra tiếp tục lao đao vì dịch Xuất khẩu cá tra kỳ vọng phục hồi vào quý III/2020 |
Xuất khẩu cá tra - điểm sáng thị trường Anh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra mới đạt trên 1 tỷ USD với sản lượng 537 nghìn tấn, giảm lần lượt là 30,4% và 13,7% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu cá tra đang phục hồi |
VASEP đánh giá, trong khi các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, ASEAN… ghi nhận mức sụt giảm mạnh (kết thúc tháng 9/2020, thị trường Mỹ chỉ đạt kim ngạch 174 triệu USD, giảm 16,6%; Trung Quốc đạt kim ngạch 322 triệu USD, giảm mạnh 28,6%; ASEAN đạt 102,8 triệu USD, giảm 30,3%; EU đạt 98,4 triệu USD, giảm 33,8%...) thì tại Anh đã có sự tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Có thể thấy, dịch Covid đã khiến cho ngành cá tra tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, sau khi các nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa, sản lượng xuất khẩu đã dần hồi phục trong quý III/2020.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, riêng tại thị trường Anh đã có sự bứt phá mạnh trong thời gian qua. Theo đó, trong tháng 9/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang Anh đạt 4,8 triệu USD, tăng 68,4%; tính đến quý III/2020, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 30,78 triệu USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường có mức tăng trưởng dương khả quan nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Nhờ “sức ấm” tại một số thị trường nhập khẩu như Anh, Mỹ đang dần phục hồi và sự chủ động tích cực đưa sản phẩm cá tra ra thị trường nội địa mà tới giữa tháng 10/2020, giá cá tra nguyên liệu loại 0,7 - 0,8 kg/con tại ĐBSCL đã tăng lên gần 22.000 đồng/kg, tăng 3.500 đồng/kg so với tháng trước đó. Giá cá tra một số size lớn hơn cũng tăng lên 23.500 đồng/kg. Điều này phản ánh xu hướng tích cực dần của thị trường.
Triển vọng nào cho năm 2021?
Đánh giá về triển vọng thị trường trong quý IV/2020 và năm 2021, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, nhu cầu có thể tăng trưởng trở lại trong quý IV/2020 và năm 2021.
Phân tích cụ thể, BSC chỉ ra: Kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối thủy sản sẽ tiếp tục hồi phục về mức trước dịch. Do đó, kỳ vọng khi dịch Covid-19 kết thúc, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng tốt trở lại. Thêm vào đó, ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong dài hạn sẽ tạo mức chênh lệch thuế lớn giữa cá tra Việt Nam với các nước đối thủ. Theo đó, các sản phẩm cá tra Việt Nam như cá tra nguyên con, cá tra fillet tươi đông lạnh sau 3 năm hầu hết sẽ giảm về mức 0%, thấp hơn mức thuế của đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5% - 9%), Trung Quốc (0%- 9%).
Đồng quan điểm này, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng cá tra xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ kể từ năm 2021. Điều này xuất phát từ sự tích cực của thị trường EU với lợi thế của Hiệp định EVFTA. Ngoài ra, VNDirect cũng kỳ vọng phân ngành xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác sẽ phục hồi trong năm 2021 khi dịch Covid-19 có thể được kiềm chế nhờ vắc xin.
Dù vậy, từ thực tế khai thác thị trường, nhiều doanh nghiệp cá tra thừa nhận rằng, dịch bệnh sẽ là rủi ro lớn nhất đối với sự hồi phục của các thị trường. Bởi lẽ tiêu thụ cá tra phụ thuộc phần lớn vào kênh dịch vụ nên chưa hồi phục về mức trước dịch trong năm 2021 do tâm lý người dân vẫn e sợ việc đến nhà hàng.
Nhận định được những khó khăn ở phía trước, ông Trương Đình Hòe cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đang chú trọng hơn vào những thị trường có mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Cụ thể là ở thị trường Anh. “Vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm hiện nay là thông tin thị trường Anh - đây là thị trường xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt trong năm 2020. Song doanh nghiệp không biết sau Brexit thì vấn đề thuế quan, xuất khẩu vào nước này như thế nào. Do đó doanh nghiệp mong nhận được thông tin đầy đủ về thị trường Anh để có kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới”, ông Hòe kiến nghị.
Cùng với đó, ông Hòe cũng khuyến cáo doanh nghiệp phải tiếp tục nâng cao khả năng nhận thức liên quan đến các vấn đề trách nhiệm xã hội, lao động, các yếu tố liên quan đến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ đó ngày càng hoàn thiện hệ thống của mình và có khả năng đáp ứng cao nhất với bất cứ thị trường nào.
Trong khi các ngành hàng như giày dép, tôm, dệt may… đã khai thác được lợi thế của Hiệp định EVFTA để tăng xuất khẩu vào thị trường EU thì ngành hàng cá tra tới nay vẫn chưa thể tận dụng được. Do đó, VASEP kỳ vọng trong thời gian tới ngành hàng này sẽ phát huy lợi thế để gia tăng thị phần ở EU. Để làm được, VASEP đang xúc tiến những hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu cá tra Việt tới các nước trong khối EU và dự kiến sẽ triển khai ngay đầu năm 2021. |