Tỉnh Quảng Ninh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số
Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số bao gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP. Móng Cái; làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; làng người Sán Chỉ (Sán Chay) thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.
Nghi lễ Nhảy lửa được thực hiện tại Nhà truyền thống cộng đồng người Dao Ba Chẽ (ảnh QMG) |
UBND các địa phương có làng dân tộc thiểu số được thí điểm sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương để triển khai, tổ chức thực hiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của kế hoạch và tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương. Thời gian hoàn thành kế hoạch để triển khai tại địa phương là trong tháng 7/2023.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của một dân tộc thiểu số (Tày/ Dao/ Sán Dìu/ Sán Chỉ). Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc trân quý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Khơi dậy tinh thần tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc, tự lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững; hăng hái thi đua làm giàu chính đáng; tích cực, chủ động bảo vệ môi trường tự nhiên; bảo vệ trật tự, an ninh khu vực.
Cùng với đó, xây dựng, bảo tồn Làng dân tộc Tày/ Dao/ Sán Dìu/ Sán Chỉ gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới tiên tiến, Chương trình OCOP Quảng Ninh; phát triển kinh tế đa ngành: nông nghiệp - du lịch - dịch vụ - thương mại; phát huy cao nhất sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân và lấy người dân làm trung tâm, nòng cốt và là người được hưởng lợi từ thành quả xây dựng làng dân tộc; khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất để hình thành các điểm đến đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết phát triển du lịch cộng đồng phù hợp.
Như tại huyện Bình Liêu, những năm gần đây, các giá trị văn hóa của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ... trên địa bàn huyện được du khách rất quan tâm, tìm hiểu. Nắm bắt được xu thế đó, trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện, cùng với việc khai thác tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, huyện đang chú trọng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại thôn, bản, làng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Tập trung vận động bà con nhân dân giữ gìn và khôi phục lại những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như hội soóng cọ, hội kiêng gió, hội hoa sở...
Hay như tại huyện Đầm Hà, với mong muốn phát huy giá trị bản sắc của đồng bào dân tộc chính quyền huyện đã chủ động phục dựng và phát triển các nghề nông nghiệp truyền thống như đan mũ đại hiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như củ cải, khoai lang... thiết lập các tour, tuyến du lịch để thu hút du khách đến với địa điểm này.
Đặc biệt, việc xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được tích cực triển khai.
Được biết, cũng trong giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện các chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.