Những ngày qua, trên cộng đồng mạng xã hội có nhiều ý kiến tranh luận về vụ việc một người chồng ở Quảng Ninh bị khởi tố hình sự vì đập vỡ điện thoại của vợ. Cụ thể, ngày 19/12, Công an huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Tuấn (40 tuổi, trú tại khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) về tội hủy hoại tài sản.
Trước đó, tại nhà riêng, do mâu thuẫn vợ chồng, bà Tuyến bị ông Tuấn bẻ, ném làm hỏng hoàn toàn chiếc điện thoại di động trị giá khoảng 8 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, ông Lê Văn Tuấn thừa nhận hành vi phạm tội, trong lúc nóng giận đã bẻ gãy và ném làm hư hỏng hoàn toàn chiếc điện thoại của vợ.
Ngoài ra, Lê Văn Tuấn còn bị UBND huyện Cô Tô xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình, căn cứ Nghị định số 144/NĐ-CP.
Công an huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Tuấn (người mặc áo đen, ngoài cùng, bên trái) về tội hủy hoại tài sản. Ảnh: Duy Đại |
Ngay sau khi vụ việc được đăng tải đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Lê Văn Tuấn đánh vợ thì việc bị xử lý hình sự không ai bênh vực. Nhưng chỉ vì trong lúc giận nhau mà người chồng ném vỡ điện thoại của vợ là chuyện bình thường, không hiếm gặp. Việc người vợ gửi đơn tố giác đến cơ quan công an để xử lý hình sự chồng chỉ làm cho cuộc sống gia đình thêm tồi tệ. Nhất là việc người vợ đẩy người từng “đầu gối tay ấp” vào vòng lao lý, khiến hạnh phúc gia đình thêm rạn nứt, con cái bị ảnh hưởng.
Nêu quan điểm về vụ việc này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, đây là vụ việc khá hy hữu, nhưng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Cô Tô khởi tố hình sự đối với Lê Văn Tuấn là có cơ sở.
Cụ thể, căn cứ điểm n khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về các hành vi bạo lực gia đình trong đó có hành vi chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì sẽ bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
“Ở trong vụ việc này, giả sử cơ quan chức năng kết luận đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản của người vợ thì việc cơ quan chức năng khởi tố bị can là có căn cứ”, luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, đây là vụ án khá hy hữu. Ảnh: (nhân vật cung cấp) |
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, Điều 3, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về hành vi bạo lực gia đình, trong đó bao gồm các hành vi như hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình.
“Giả sử, cơ quan chức năng kết luận đối tượng ngoài hành vi hủy hoại tài sản mà còn có hành vi khác như cố ý gây thương tích hoặc hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình thì đối tượng còn có thể bị xử lý thêm về các hành vi này”, luật sư Diệp Năng Bình phân tích thêm.
Một số người cho rằng, đây là vụ việc “tế nhị” có quan hệ vợ - chồng, có con chung, việc mẹ đẩy bố vào tù chỉ vì đập vỡ điện thoại là việc không lớn, nhưng con cái sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, tương lai bị ảnh hưởng khi bố có tiền án.
Nêu quan điểm về câu hỏi trên, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, hành vi bạo lực gia đình không phải chỉ diễn ra trong một vài ngày. Một khi hành vi bạo lực gia đình đã diễn ra thì việc đó sẽ lặp lại trong một thời gian dài và có thể sẽ để ảnh hướng rất lớn đến tâm lý của các thành viên trong gia đình.
Nếu cứ để mọi chuyện tiếp diễn thì không biết sẽ có bao nhiêu lần những người con, người vợ, thậm chí là cả người chồng phải chịu đựng những hành vi bạo lực đến từ người thân của mình. Và việc phải chịu đựng bạo lực gia đình trong một khoảng thời gian dài khả năng lớn sẽ mang lại những tổn thương tâm lý cho những người con nhiều hơn là việc một người mẹ đứng lên đấu tranh để tách một người cha bạo lực gia đình ra khỏi con cái.
“Có thể thấy, chỉ một phút bất đồng, nổi nóng có thể phá hỏng sự êm ấm của cả một gia đình. Người chịu thiệt thòi nhất luôn luôn là những đứa con vô tội của những cặp vợ chồng mâu thuẫn này. Qua sự việc trên, các cặp vợ chồng cần hiểu rõ về trách nhiệm của mình đối với cuộc hôn nhân mà mình đã lựa chọn, thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình quy định trong luật để xây dựng một gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”, luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.