Chiều nay, ngày 14/4, Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam đã diễn ra tại Lào Cai, tiếp nối Hội nghị Xúc tiến thương mại phiên tổng thể trong sáng nay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhấn mạnh: Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng phát triển lớn. Với hơn 5.000km đường biên giới chia sẻ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương trong khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại quan trọng giữa các quốc gia láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng với các nền kinh tế phát triển trên thế giới nói chung.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam |
Để thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn tuyến biên giới đất liền, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại biên giới với Chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và lần lượt ký các hiệp định, thỏa thuận quan trọng liên quan khác về kiểm dịch, chất lượng hàng hóa, thanh toán...
Đến nay quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đã đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm, góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng của thương mại song phương, vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới và đặc biệt là giúp cải thiện rất nhiều đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới.
Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường; kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 là 8,44 tỷ, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường.
Dù vậy, thương mại qua biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống logistics vẫn còn một số vấn đề như khó khăn trong khai thác đường sắt với Trung Quốc do chưa đồng bộ về khổ đường ray; hệ thống sông dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải...
Bên cạnh đó, số lượng chủng loại nông sản, trái cây được xuất khẩu cũng rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam |
Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới đều không ưu tiên lựa chọn hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính,...).
Thêm nữa, số cửa khẩu phụ, lối mở chưa được khôi phục hoạt động trở lại kể từ khi phát sinh dịch Covid-19, dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới và nhu cầu giao thương của doanh nghiệp hai bên.
"Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức nhằm tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, cơ hội xúc tiến thương mại qua biên giới cũng như trao đổi về các thông tin, tiềm năng thúc đẩy thương mại biên giới của đại diện các địa phương có cửa khẩu biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, doanh nghiệp qua biên giới. Từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới", đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.