Thứ sáu 22/11/2024 10:29

Thuế thu nhập cá nhân - Vì sao cần điều chỉnh sớm?

Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu được áp dụng từ năm 2009, với mức tính thuế ban đầu là 4 triệu đồng và mức giảm trừ phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/người/tháng.

Nghị trường Quốc hội chiều 29/5/2024 đã bị đốt nóng với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội phản ánh nguyện vọng chung của đông đảo cử tri cả nước về sự cần thiết điều chỉnh cách tính thuế thu nhập cá nhân, nhất là cần sớm sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh.

Thuế thu nhập cá nhân bắt đầu được áp dụng từ năm 2009, với mức tính thuế ban đầu là 4 triệu đồng và mức giảm trừ phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/người/tháng. Theo luật thì khi chỉ số CPI biến động trên 20% thì Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Cần sớm điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa)

Sau khi điều chỉnh vào năm 2013, mức tính thuế là 9 triệu đồng và giảm trừ là 3,6 triệu đồng.

Đến năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 điều chỉnh việc giảm trừ gia cảnh. Theo đó, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tức người có thu nhập tính thêm 1 người phụ thuộc thì trên 17 triệu đồng mới phải nộp thuế, còn nếu trên 2 người phụ thuộc thì trên 22 triệu đồng mới bắt đầu nộp thuế, chưa tính đến các khoản giảm trừ như bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp...

Đến nay, theo Bộ Tài chính, việc Bộ Tài chính chưa đề nghị giảm trừ gia cảnh là thực hiện đúng luật vì 3 lẽ sau:

Thứ nhất, mức tính thuế hiện hành đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước, trong khi thế giới là dưới 1 lần.

Thứ hai, CPI tính từ năm 2020 tới nay mới tăng 11,47% (cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI của năm 2023 là 3,25%; năm 2022 là 3,15%; năm 2021 là 1,84% và 2020 là 3,23%). Theo luật là trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Thứ ba, Thường vụ Quốc hội đã đưa việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân theo chương trình xây dựng pháp luật. Cụ thể, sẽ sửa luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10/2025 và có thể thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026. Nếu Thường vụ Quốc hội quyết định sửa luật vào cuối năm 2024 và áp dụng từ năm 2025 thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp.

Tuy nhiên, như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) và nhiều đại biểu Quốc hội khác, quy định về mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện quá lạc hậu, thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, gây thiệt hại cho người nộp thuế; Quốc hội cần sớm xem xét sửa đổi mức này mà không để người dân phải chờ tới 2026 mới sửa Luật theo dự kiến.

Có nhiều căn cứ thực tiễn xác đáng để minh chứng cho điều này:

Một là, theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 đã là trên 4%. Điều này cho thấy khả năng lạm phát cả năm 2024 khó giữ được mức dưới 4 % theo kế hoạch Quốc hội đã thông qua. Dự báo, đến năm 2025, mức CPI bình quân cũng khó dưới 4%... Nghĩa là, chỉ ngay trong năm 2025 tổng mức CPI cộng dồn danh nghĩa của Việt Nam cũng không thấp hơn 20% so với năm 2020. Trong khi đó, theo kế hoạch thì mãi tận giữa năm 2026 mới có thể có mức giảm trừ gia cảnh mới cho người dân nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều này đồng nghĩa với kéo dài tình trạng nghịch lý là nhiều người dân phải vừa thắt lưng, buộc bụng, vừa phải nộp thuế thu nhập cá nhân oan vì chậm sửa luật.

Hai là, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Bởi lẽ các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của đại da số người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng. Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh trên thị trường, ngay cả ở khu vực công, như y tế, giáo dục; Thậm chí, nhiều hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập. Nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng. Còn tiền chi cho một trẻ dưới 6 tuổi đi nhà trẻ tư ở các đô thị như Hà Nội hiện không dưới 6-8 triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu, thậm chí vượt quá mức lương danh nghĩa của các gia đình…

Ba là, thực tế cho thấy, quy định mức giảm trừ gia cảnh cần phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta, với phần lớn (70%) thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu, so với chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30-40% ở những quốc gia có thu nhập cao.

Bốn là, cần thấy rằng mức khởi điểm tính thuế và chiết trừ gia cảnh không tương xứng với mức tăng thu nhập quốc gia của Việt Nam suốt thời gian qua: Năm 2007, quy mô nền kinh tế khoảng 77,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 13,5 triệu đồng/người/năm (840 USD/người/năm). Năm 2023, quy mô nền kinh tế đã tăng lên 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người gần 101,9 triệu đồng/người/năm. Mức này gấp hơn 7,5 lần so với năm 2007. Trong khi đó, cả mức ngưỡng tính thuế thu nhập cá nhân và mức chiết trừ gia cảnh lại tăng chậm hơn nhiều, cùng chỉ là 2,75 lần.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao quy mô nguồn thu, tức gánh nặng thuế thu nhập cá nhân ngày càng cao. Theo Bộ Tài chính, quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009 là 14.318 tỷ đồng; năm 2022 là 162.790 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng thu nội địa, gấp 11,4 lần số quyết toán năm 2009.

Bởi vậy, yêu cầu của đông đảo đại biểu Quốc hội và người dân về Chính phủ sớm trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025 là hết sức có lý, có tình và sát thực tiễn, đúng như chỉ đạo của Chính phủ với phương châm “năm quyết tâm, năm đẩy mạnh” “lấy thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý đo lường chính sách” và cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm như lời dạy của Bác Hồ.

Giảm mức thu thuế thu nhập cá nhân cho người dân có thu nhập không cao là cách thức hỗ trợ chính sách tài chính “hậu Covid-19” cho người dân tốt nhất, để tăng khả năng cho họ củng cố hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái và tái sản xuất sức lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ... Đây là việc nên làm cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội, vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài.

Lòng dân đã tỏ, nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri đã lên tiếng, còn chần chừ gì nữa mà không cầu thị, sớm chỉnh sửa Luật thuế thu nhập cá nhân để “Quốc thái, dân an” như di nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ tịch...!

TS. Nguyễn Minh Phong
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Tài chính

Tin cùng chuyên mục

Việt Tân lại ‘ếch ngồi đáy giếng’ xuyên tạc về nhập khẩu điện

Doanh nghiệp phải sẵn sàng nguồn lực trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có tính liên thông, đồng bộ với các luật khác

Cảnh báo sớm: Doanh nghiệp không còn bị động trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử Temu

Ông Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện khí LNG

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thành tích xuất nhập khẩu có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Ngành da giày cần đẩy mạnh mở rộng thị trường mới nhờ lợi thế từ các FTA

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về hàng hoá dịp cuối năm

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Cần xử phạt nghiêm minh trường hợp trục lợi từ tăng giá điện

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Xuất khẩu xanh - 'Cuộc chơi' buộc doanh nghiệp phải thay đổi mình

Bà Nguyễn Thuý Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Nhà nước không điều hành chiết khấu xăng dầu

Xây dựng hệ sinh thái ngành thủy sản - ‘chìa khóa’ giải ‘bài toán’ tăng cơ hội tận dụng FTA

Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá phải hướng đến tăng thu ngân sách bền vững

Đâu là giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024?

Ông Nguyễn Khắc Quyền: Bộ Công Thương cầu thị và trách nhiệm trong xây dựng chính sách kinh doanh xăng dầu

Xây dựng trung tâm thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển làm 'cầu nối' cho hàng Việt Nam