Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Hội tụ các yếu tố phát triển thị trường tài chính hiện đại
Chiều 17/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho trung tâm tài chính ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển TTTCQT như: Nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu (đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này). Việt Nam có TP. Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các trung tâm tài chính toàn cầu.
Việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTCQT đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên nếu thành công, sẽ giúp Việt Nam: Kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.
"Việc xây dựng, vận hành và phát triển TTTCQT có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
Theo đó, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để: Xây dựng và phát triển TTTCQT đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành TTTCQT hàng đầu, vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, qua đó nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.
Nghị quyết cũng sẽ góp phần thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế, thúc đẩy dòng vốn và công nghệ tài chính vào Việt Nam; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài chính và dịch vụ hỗ trợ vào làm việc tại TTTCQT.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT gồm 6 Chương và 36 Điều. Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực.
Cụ thể: Chính sách ngoại hối, hoạt động ngân hàng; chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn; chính sách thuế; chính sách về xuất, nhập cảnh, cư trú, lao động đối với chuyên gia, nhà đầu tư và chính sách việc làm, an sinh xã hội; chính sách đất đai; chính sách về xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy.
Tiếp đó là, chính sách thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech và đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi theo lĩnh vực và chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; chính sách về xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ; chính sách về phí, lệ phí; giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Làm rõ tác động mang lại khi có TTTCQT
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho hay, hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, đề nghị: Đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; làm rõ hơn tác động mang lại khi có TTTCQT; những kinh nghiệm quốc tế nào được cho là phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi |
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần bảo đảm tính hợp Hiến, thể chế hoá đúng đắn Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị; chính sách cần đột phá, không rập khuôn; cần tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để chọn lựa những kinh nghiệm thành công, tránh được những thất bại, tạo thế cạnh tranh quốc tế; cần có cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế giám sát, kiểm tra hợp lý, một mặt thông thoáng nhưng phải bảo đảm quản lý được rủi ro, giữ vững an ninh tài chính, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá rõ với các nhóm chính sách như tại Dự thảo thì đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hình thành và vận hành TTTCQT hay chưa? Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh? Cần làm rõ đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam.
Theo ông Phan Văn Mãi, vận hành TTTCQT tại Việt Nam là vấn đề mới ở Việt Nam, do vậy, Nghị quyết chỉ nên quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời; phân cấp cho 2 thành phố những nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn địa phương, bảo đảm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo pháp luật.
Trung tâm tài chính là một “hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định”, là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa. |