Thủ tướng phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả thực thi SPS
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 534/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do (Đề án).
Kiện toàn hệ thống SPS Việt Nam, nâng cao hiệu quả các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động, thực vật |
Mục tiêu chung của Đề án nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hài hoà tiêu chuẩn quốc tế đạt 70%; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 80% các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng được xây dựng cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS; 100% các địa phương kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường; hoàn thành Cổng thông tin quốc gia về SPS, kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam.
Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về SPS, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm; tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh; hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế về SPS; kiện toàn hệ thống SPS của Việt Nam...
Kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam; nâng cao năng lực cho các điểm hỗ trợ kỹ thuật của Văn phòng SPS Việt Nam tại các bộ, ngành. Phát triển các điểm hỏi đáp SPS và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội tại địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng SPS Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng cơ chế công bố phân vùng địa lý khi xác định nguy cơ dịch bệnh và đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống dịch bệnh trên người, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Xây dựng cơ chế công bố phân vùng địa lý khi xác định nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch bệnh và đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp với các tình huống mất an toàn thực phẩm, sự bùng phát của sâu hại và dịch bệnh trên động vật và thực vật đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp; tham gia đánh giá rủi ro các đối tượng sinh vật thuộc phạm vi phụ trách.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Rà soát, sửa đổi và công bố các tiêu chuẩn thực phẩm theo tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế (Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế) thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Hiệp định SPS (Sanitary and Phytosanitary) là một hiệp định được thỏa thuận bởi các thành viên của WTO. Hiệp định này bao gồm 14 điều và 3 phụ lục, đề ra mục tiêu là cung ứng cho người tiêu dùng các sản phẩm lương thực thực phẩm hết sức an toàn, theo những tiêu chuẩn thích hợp. Biện pháp vệ sinh và thực vật (SPS) là một loại biện pháp pháp lý được sử dụng trong Thỏa thuận Thương mại Toàn cầu (WTO) nhằm kiểm soát rủi ro cho con người, động vật và thực vật về các bệnh tật, dịch bệnh hoặc các tác hại khác từ thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp.
Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.