Thỏa thuận thương mại Anh- Mỹ có xoa dịu bất ổn và tổn thất của Brexit?
Tổng thống Trump đã dành phần đầu tiên trong chuyến thăm ba ngày của mình để ủng hộ một thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Anh, và cho rằng một thỏa thuận có thể xảy ra một khi Anh rời khỏi EU.
Lời hứa về một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit nhanh chóng và "rất, rất đáng kể" với Washington sẽ có tác động đến một số ứng viên đang trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Anh tiếp theo sau khi bà Theresa May sẽ rời nhiệm sở vào ngày 7 tháng 6. Tổng thống Mỹ cho rằng, lợi ích của một thỏa thuận như vậy vượt qua mọi tổn thất do Brexit gây ra. Nhưng các chuyên gia thương mại cực kỳ hoài nghi về điều này.
Theo dữ liệu mới nhất, thương mại của Anh với Mỹ là rất lớn, nhưng ít quan trọng hơn đối với nền kinh tế Anh so với thương mại với EU. Trong năm 2017, Mỹ đã chiếm khoảng 18% xuất khẩu của Vương quốc Anh và 11% tổng lượng nhập khẩu vào Anh đến từ Mỹ. Ngược lại, EU gồm 28 quốc gia chiếm lần lượt tỷ lệ 45% và 53%.
Lý do tại sao quan hệ thương mại của nền kinh tế Anh rõ ràng nghiêng về EU được các nhà kinh tế quy cho ba yếu tố: Quy mô thị trường, khoảng cách vận chuyển hàng hóa và sự tồn tại của các thỏa thuận thương mại rõ ràng. Quy mô của thị trường ở Mỹ và châu Âu tương tự nhau, với Mỹ sản xuất khoảng 20,5 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong năm 2018 và của EU khoảng 17 nghìn tỷ USD, theo tỷ giá hối đoái hiện tại. Lý do chính tại sao nền kinh tế Anh đang thực hiện thương mại với EU nhiều gấp ba lần so với Mỹ là khoảng cách và sự điều chỉnh phù hợp. Các chuyên gia đã tính toán rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh sẽ không thay đổi điều đó.
Việc giảm xuất khẩu của Anh sang EU khoảng 10% sau Brexit sẽ đòi hỏi phải tăng 37% xuất khẩu sang Mỹ để bù đắp cho sự thiếu hụt. Sam Lowe, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Cải cách châu Âu, chia sẻ quan điểm tương tự và cho rằng thật vô lý khi tin rằng sẽ có một sự đột biến đủ lớn trong thương mại song phương với Mỹ để thu hẹp khoảng cách. Nước Anh đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế EU và đối với bất kỳ thỏa thuận nào của Mỹ, điều mà Anh đang tìm kiếm nhất là giảm thuế. Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2018 về chi phí và lợi ích của Brexit, do Quốc hội Anh yêu cầu thực hiện, đã ước tính rằng một hiệp định thương mại tự do song phương với Washington sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh chỉ 0,2% sau 15 năm. Điều này là rất nhỏ khi so sánh với mức tổn thất 2% đến 8% trong GDP sau Brexit trong thời gian đó.
Vào tháng 3/2019, Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ban hành một báo cáo dài 500 trang, thể hiện những ưu điểm của thương mại tự do và ít quy định hơn, đồng thời nêu rõ những giới hạn của Washington về các hạn chế đối với thương mại trên toàn cầu. Vương quốc Anh là một phần của EU, đã không có phần riêng trong báo cáo này, nhưng chương 47 trang dành cho các hoạt động thương mại "không công bằng" của EU, đã là “điềm báo” cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Vương quốc Anh. Washington muốn loại bỏ các quy định của EU từ phúc lợi động vật đến hóa chất đến nhập khẩu cây trồng làm nhiên liệu sinh học. Mối quan tâm lớn nhất của USTR là "một số biện pháp mà EU duy trì cho mục đích an toàn thực phẩm và bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe của con người, động vật hoặc thực vật", báo cáo cho biết.
Về cơ bản, điều này có nghĩa là Mỹ yêu cầu những thay đổi lớn đối với các tiêu chuẩn hiện tại của Anh về an toàn sức khỏe và người tiêu dùng vẫn dựa trên các tiêu chuẩn sản phẩm của EU. Các biện pháp này đã được USTR nhấn mạnh "hạn chế thương mại một cách không cần thiết mà không tiếp tục các mục tiêu an toàn của họ vì chúng không dựa trên các nguyên tắc khoa học, được duy trì với đầy đủ bằng chứng khoa học hoặc chỉ áp dụng trong phạm vi cần thiết”.
Báo cáo của USTR cho thấy rõ ràng rằng rất ít ngành công nghiệp bị ảnh hưởng. Về hóa chất, các quy định của EU áp đặt "yêu cầu đăng ký, thử nghiệm và dữ liệu rộng rãi đối với tất cả các hóa chất được sản xuất hoặc nhập khẩu vào EU với số lượng lớn hơn một tấn". Những hạn chế đối với cây trồng cho nhiên liệu sinh học, mà một số nghiên cứu đã chỉ ra có khả năng tồi tệ hơn đối với biến đổi khí hậu so với nhiên liệu hóa thạch, cũng được nhấn mạnh như một gánh nặng… Tất cả những biện pháp đó và nhiều quy tắc khác của EU được áp dụng ở Anh, Washington lập luận “có khả năng tạo ra chi phí hành chính bổ sung và tác động bất lợi đến khả năng các nhà xuất khẩu của Mỹ tái phân phối sản phẩm tại thị trường châu Âu”.
Vì vậy, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Washington và Luân Đôn liệu sẽ thuận buồm xuôi gió cho các nhà đàm phán? Các ý kiến cho rằng hầu như chắc chắn là không. Thậm chí một thỏa thuận có ý nghĩa nhiều hơn đòi hỏi một Brexit cứng trong đó Vương quốc Anh rời khỏi liên minh hải quan của EU và loại bỏ tất cả các quy tắc thị trường chung của khối. Trừ khi một thủ tướng mới của Anh sẵn sàng thực hiện các bước như vậy, sẽ không có nhiều điều để thảo luận ngoài những thuận lợi thương mại tương đối nhỏ. Và đối với nền kinh tế Anh, điều đó là không đáng kể.