Thứ hai 28/04/2025 20:51

Thị trường Halal Indonesia: Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Tăng xuất khẩu sản phẩm Halal vào thị trường Indonesia mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt, nhưng cũng yêu cầu phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn chất lượng

Thị trường Halal - nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Sáng ngày 28/4/2025, diễn ra hội thảo “Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: Việt Nam và Indonesia đang không ngừng tăng cường hợp tác kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững và cùng có lợi. Theo Cục Hải quan, quý I/2025, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Indonesia đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như cà phê, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, dệt may, điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của ASEAN.

Riêng TP. Hồ Chí Minh, năm 2024, kim ngạch thương mại với Indonesia đạt 1,6 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước. Trong bối cảnh xuất khẩu chung gặp nhiều khó khăn, kết quả này cho thấy thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác tốt hơn các lĩnh vực tiềm năng.

Thị trường Halal toàn cầu được dự báo sẽ tạo ra hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Ngành công nghiệp Halal đang mở ra dư địa lớn. Dự báo đến năm 2033, thị trường Halal toàn cầu có thể đạt gần 6.000 tỷ USD cho riêng thực phẩm - đồ uống và khoảng 10.000 tỷ USD cho toàn bộ ngành hàng. Indonesia với hơn 280 triệu dân chủ yếu theo đạo Hồi, là thị trường Halal lớn nhất thế giới và là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, tiêu chuẩn Halal nghiêm ngặt và quy trình chứng nhận phức tạp sẽ là thách thức đáng kể với doanh nghiệp.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp, ITPC phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện này, nhằm cụ thể hóa cam kết hợp tác song phương sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 3/2025. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh và các giải pháp công nghệ AI và đặc biệt là các sản phẩm Halal”, Giám đốc ITPC nhấn mạnh.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - Indonesia trong lĩnh vực Halal

Tại hội thảo, ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh, khẳng định việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Indonesia lên Đối tác Chiến lược toàn diện có ý nghĩa đặc biệt, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng hợp tác đa lĩnh vực giữa hai nước.

Ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh

Ông Agustaviano Sofjan cũng cho biết, ngành công nghiệp Halal sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác trong thời gian tới, không chỉ phục vụ nhu cầu cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút người tiêu dùng toàn cầu nhờ cam kết về chất lượng và an toàn. Indonesia với vai trò là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển sản phẩm Halal, đặc biệt ở các lĩnh vực chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, du lịch và dịch vụ tài chính. Đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước chủ động kết nối, tham gia diễn đàn chuyên ngành để khai thác tiềm năng hợp tác.

Cũng tại hội thảo, bà Soneta Asmara - Lãnh sự phụ trách Kinh tế Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh - nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa suy giảm và chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh, việc đẩy mạnh hợp tác song phương và liên kết khu vực sẽ là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng.

Theo nhận định bà Soneta Asmara, Indonesia và Việt Nam đang nổi lên như hai động lực tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN nhờ các yếu tố thuận lợi như dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa cao, đầu tư hạ tầng mạnh mẽ và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đồng thời, hai nước đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do và phát triển các ngành chiến lược như ô tô điện, năng lượng xanh và công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Văn phòng chứng nhận Halal (HCA)

Ở góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Văn phòng chứng nhận Halal (HCA), đã chia sẻ thông tin chi tiết về quy trình chứng nhận Halal tại Indonesia. Theo bà Hằng, hầu hết sản phẩm nhập khẩu vào Indonesia phải có chứng nhận Halal chậm nhất vào ngày 17/10/2026 theo Quy định số 42/2024. Các sản phẩm không đạt chuẩn Halal sẽ phải dán nhãn "Non-Halal" rõ ràng.

Quy trình chứng nhận Halal bao gồm đánh giá hồ sơ, kiểm tra thực tế, cấp chứng nhận, sau đó doanh nghiệp cần đăng ký trên hệ thống SIHALAL của Indonesia và tuân thủ quy định ghi nhãn theo chuẩn của BPJPH. Doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp hồ sơ thông qua các tổ chức được BPJPH công nhận như HCA, với các yêu cầu về giám sát viên Halal và tiêu chuẩn SJPH số 20/2023.

“Chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện chứng nhận và ghi nhãn Halal, giúp sản phẩm thuận lợi thâm nhập thị trường Indonesia cũng như các quốc gia Hồi giáo khác”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cam kết.

Thông qua hội thảo, ITPC kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin chuyên sâu, có giá trị thực tiễn về thị trường Halal. Đồng thời mở rộng cơ hội kết nối đối tác, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Indonesia.

Thanh Minh
Bài viết cùng chủ đề: chuỗi cung ứng

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu sầu riêng: Gắn với vùng trồng an toàn

Xuất khẩu tôm: Cần xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng

Xuất khẩu gạo, cơ hội từ thị trường châu Phi

Xuất khẩu yến thô: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu Gia Lai: Bứt tốc với những con số ấn tượng

Chùm ảnh: Hội thảo 'Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'

Cà phê, trà và trái cây Việt đón cơ hội từ Kazakhstan

Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam

Infographic |Xuất khẩu hồ tiêu cả nước quý 1/2025 tăng trưởng mạnh

Cần chiến lược đồng bộ để phát triển logistics bền vững trong kỷ nguyên số

Ông Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics là không thể chậm trễ!

Số hóa dịch vụ logistics: Không để doanh nghiệp ‘lạc nhịp’ cuộc chơi 4.0

Hôm nay, diễn ra hội thảo 'Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'

Tiếp nhận cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI: Bộ Công Thương không để doanh nghiệp gián đoạn hoạt động

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Singapore đạt gần 10 tỷ SGD

Thêm xung lực, thương mại Việt - Lào hướng mốc 10 tỷ USD

Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ mới về cấp C/O không ưu đãi từ ngày 5/5

Tránh ‘vỡ trận’ sầu riêng

Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI

Tiếp tục đề xuất bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy