Thứ hai 25/11/2024 22:20

Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản: Ba giải pháp trọng tâm

Tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; nâng cao vai trò của địa phương trong tiêu thụ nông thủy sản - đó là 3 giải pháp của Bộ Công Thương nêu ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông thủy sản.

Gián đoạn lưu thông do dịch bệnh

Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 13/9 cho thấy, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương.

Theo số liệu ước của liên Bộ, ước xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm nay.

Thanh long là một trong những nhóm hàng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu những tháng đầu năm

Thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông thủy sản vẫn là khu vực châu Á với 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ, EU, châu Phi. Tất cả các khối thị trường này đều có kim ngạch tăng trưởng so với cùng kỳ.

Riêng với Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021 đạt 4,34 tỷ USD, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7/8 mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng dương 2 con số.

Nhìn chung, trong những tháng đầu năm, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước đã và đang phục hồi sau cả giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp và lan nhanh tại ASEAN, Ấn Độ cũng có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này, gây tác động đến xuất khẩu của ta. Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất của nông thủy sản đã và đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19 đã tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của ta sang thị trường này. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành của nước ta, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển nông sản, trái cây trên cả nước đến khu vực biên giới, một số loại trái cây đã đến giai đoạn chính vụ như thanh long, dưa hấu, vải, nhãn…

“Đặc biệt, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ các địa phương nuôi trồng trọng điểm đến khu vực cửa khẩu, biên giới để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn (thiếu nhân lực tham gia trực tiếp, phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg), gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất, giao nhận, lưu thông và xuất khẩu nông thủy sản trong quý III/năm 2021” - Bộ Công Thương chỉ rõ.

Ba giải pháp trọng tâm

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, dù phải đối diện với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội, xuất khẩu nông thủy sản của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng rất tốt sau 7 tháng với mức tăng tới 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD. Khó khăn thực sự chỉ xuất hiện vào tháng 8, khi nhiều tỉnh thành áp dụng các biện pháp giãn cách chặt chẽ hơn khiến ách tắc phát sinh tại tất cả các khâu của chuỗi cung ứng nông thủy sản, từ thu hoạch, chế biến tới vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu.

“Những con số này cho thấy, không phải không có thị trường xuất khẩu. Thị trường là có, và rất lớn, khi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại các trung tâm tiêu dùng lớn. Vấn đề là chúng ta đang tự gây phức tạp cho chính mình. Vì vậy, kiến nghị đầu tiên của chúng tôi là tháo gỡ ngay những khó khăn không đáng có cho sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là ách tắc trong khâu lưu thông” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống Covid ở cả 2 bên biên giới Việt - Trung đã làm bộc lộ toàn bộ những bất cập của xuất khẩu nông thủy sản theo hình thức “trao đổi cư dân”.

Trung Quốc đã duy trì chế độ ưu đãi cho trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới, với hạn mức được miễn thuế là 8000 NDT/người/ngày. Vì vậy, từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung đã tự phát hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn tại các cặp chợ.

Hàng hóa trao đổi theo hình thức này thường là theo thỏa thuận miệng, không có hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ về quy cách hàng hóa, điều kiện giao hàng… và chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. Do là buôn bán tại chợ nên việc quản lý chợ hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền địa phương của Trung Quốc, không thể can thiệp theo hiệp định quốc tế hay thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, lúc cho nhập hàng ban ngày, lúc cho nhập hàng ban đêm dẫn đến bị động và rủi ro lớn cho các loại nông thủy sản xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân.

“Bộ Công Thương đã nhiều năm nay kêu gọi các doanh nghiệp thay đổi, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính quy, theo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, sự chuyển biến là rất chậm” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, đồng thời nêu thực trạng: “Cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại Cao Bằng, Hà Giang rất thông thoáng nhưng doanh nghiệp không đi. Cửa khẩu đường sắt tại Lạng Sơn, Lào Cai, cả ngày xuấtkhông nổi 1 toa xe, cũng rất thông thoáng, nhưng không ai đi. Xuất khẩu đường biển cũng vậy, rất thông thoáng, chi phí chỉ bằng 1/3 đường bộ, không ai đi. Tất cả tập trung vào Tân Thanh, Cốc Nam, gây ùn tắc, sau đó đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp "tháo gỡ".

Thái Lan 1 năm quá cảnh nước ta rất nhiều trái cây để xuất vào Trung Quốc; Ecuador 1 năm cũng có một lượng tôm khá lớn quá cảnh nước ta để vào Trung Quốc nhưng tuyệt đối không thấy thương nhân Thái Lan hay thương nhân Ecuador, cũng không thấy Bộ Công Thương Thái Lan hay Bộ Công Thương Ecuador phải đôn đáo lên biên giới Việt - Trung để "tháo gỡ khó khăn".

“Vì sao vậy? Vì họ xuất khẩu chính ngạch, họ không xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân". Vì vậy, tại Hội nghị này, chúng tôi một lần nữa kêu gọi thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ nông thủy sản cho nông dân ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị.

Cuối cùng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh vai trò của địa phương trong tiêu thụ nông thủy sản. Thứ trưởng đặt câu hỏi: “Cũng là Bộ Công Thương, cũng là Bộ Nông nghiệp, cũng bị bủa vây bởi dịch bệnh, tại sao Bắc Giang và Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong một thời gian rất ngắn, không thừa 1 quả? Trong khi đó, vẫn là Bộ Công Thương, vẫn là Bộ Nông nghiệp, mà thanh long, dưa hấu nay tắc chỗ này, mai tắc chỗ khác?”

Vấn đề nằm ở cách làm của chính quyền địa phương. Báo cáo của Bắc Giang cho thấy Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động trong việc hỗ trợ nông dân. Đã 4 năm nay Bắc Giang không cần tới sự giúp đỡ của Bộ Công Thương. Tỉnh tự tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, tự đưa ra các biện pháp để bảo đảm an toàn cho sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh, tự kết nối với thương nhân Trung Quốc để tiêu thụ nông sản cho dân. Nếu các tỉnh trồng thanh long, dưa hấu và xoài cũng làm được như Bắc Giang thì việc tiêu thụ nông sản trong thời gian qua chắc chắn đã tốt hơn rất nhiều.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phương Lan
Bài viết cùng chủ đề: Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Hôm nay 25/11, bắt đầu Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday 2024)

Doanh nghiệp cơ khí đẩy mạnh nội địa hóa, chiếm lĩnh thị phần

Đang diễn ra Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chuyển đổi số để hàng Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Ký kết biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Malaysia

Sáng nay diễn ra tọa đàm ‘Thương mại điện tử - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số’

Hơn 200 đơn vị từ 63 tỉnh, thành tham gia Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2024

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Bộ Công Thương đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số quốc gia

Triển lãm CLEANFACT và RHVAC Vietnam 2024: Điểm đến công nghệ cao cho doanh nghiệp

Hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ: Nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024