Thứ bảy 23/11/2024 17:00
Đồng bằng sông Cửu Long:

Tăng quản lý mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Việc tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong thời gian tới.

Chìa khóa cho xuất khẩu nông sản

Với hơn 300ha thanh long được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, Hoa Kỳ, Úc… năm 2021, khi người dân trồng thanh long cả nước lao đao vì khó khăn tại thị trường Trung Quốc thì các thành viên trong HTX Mỹ Tịnh An vẫn ổn định với doanh thu từ 300 – 400 triệu đồng.

Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Tịnh An - cho biết, trước đây, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, trái thanh long của HTX không thể xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc. Tuy nhiên, từ năm 2015, được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất đạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP các sản phẩm của HTX đã xuất khẩu được vào Mỹ, Úc và nhiều thị trường khó tính ở châu Á, châu Âu. Nhờ đó hoạt động sản xuất của các thành viên trong HTX luôn ổn định, thu nhập ngày càng cao.

Tương tự, tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), ông Phùng Văn Hội - Phó giám đốc HTX cho biết, từ khi được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm chanh không hạt của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường. Hiện, 60% sản lượng chanh được xuất sang Trung Quốc và các nước Trung Đông, 40% còn lại là tiêu thụ tại thị trường nội địa với mức giá ổn định. Nhờ đó, các thành viên yên tâm sản xuất.

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 11/2021, Cục đã cấp hơn 3.500 mã số vùng trồng cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu. Trong đó chủ yếu là cấp mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây thuộc diện tích hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Bến Tre..

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng

Thực tế hiện nay, bên cạnh các chứng nhận GlobalGAP, hầu hết các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu phải có mã số vùng trồng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản trong điều kiện mới, đặc biệt là khi Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, việc quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu liên tục được các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh.

Điển hình như, tại Đồng Tháp, đến nay, tỉnh có 162 vùng trồng (xoài, mít, nhãn, thanh long) được cấp mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 5.714ha xuất khẩu sang Trung Quốc và 40 mã số vùng trồng (xoài, nhãn, chanh không hạt) xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Newzealand. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hiện có 14 mã số vùng trồng xoài với diện tích 528ha.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thực hiện 100% diện tích vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu tập trung được cấp mã số vùng trồng; thực hành sản xuất an toàn (hàng năm, tăng 10% diện tích đạt chứng nhận GAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn), thực hành sản xuất hữu cơ (hàng năm tăng 1% diện tích sản xuất) để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể ban hành các kế hoạch hành động như: kế hoạch cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, thực hành sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm giai đoạn 2022-2025 là: đến năm 2022, diện tích cấp mã số vùng trồng lúa là 52.777ha, vùng trồng cây ăn trái 14.400ha, vùng trồng rau màu 2.243ha; đến năm 2025 diện tích cấp mã số vùng trồng lúa 190.169ha, vùng trồng cây ăn trái 40.810ha, vùng trồng rau màu 10.549ha.

Tại Vĩnh Long, ngày 31/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu theo Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV, ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mới đây, tại Bến Tre Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cũng đã ký ban hành Công văn số 2695/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và địa phương tổ chức, triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng nhằm thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đi vào thực chất và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Hà Duyên
Bài viết cùng chủ đề: Đồng bằng sông Cửu Long

Tin cùng chuyên mục

Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tạo động lực cho công nghiệp nông thôn phát triển

Giải pháp để các nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp lép vế

Xuất khẩu gạo: Làm sao để “ăn chắc mặc bền”?

Bức tranh sáng của xuất khẩu cá tra

Thị trường Trung Quốc vẫn “bấp bênh” cả đầu xuất và nhập

Đài Loan tăng nhập khẩu chè từ thị trường Việt Nam

Doanh nghiệp đổi mới công nghệ: “Chìa khóa” cải tiến năng suất

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu sắn

Trồng dừa hữu cơ: Đem lại giá trị bền vững

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh: Tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Giá lúa gạo hôm nay 6/4: Giá lúa quay đầu giảm 100 - 200 đồng/kg

Tiềm năng Hoa xuất khẩu và những điều cần biết để tăng thị phần

Xuất khẩu sắn có xu hướng tăng trở lại

Nhiều đột phá về thể chế, chính sách cho kinh tế nông nghiệp và nông thôn

Xuất khẩu hạt điều giảm trong quý I/2022

Giá lúa gạo hôm nay 5/4: Giá lúa nếp tăng mạnh 300 đồng/kg

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh: Doanh nghiệp lưu ý gì?

Việt Nam là thị trường cung cấp hoa lớn thứ 6 cho Nhật Bản

Nông sản xuất khẩu: Nâng cao năng suất, chất lượng nhờ khoa học – công nghệ