Là lĩnh vực chiếm tỷ lệ nghiên cứu, ứng dụng lớn nhất của hầu hết địa phương, kết quả của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH&CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Quả vải thiều Việt Nam cho sản lượng cao, đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính |
Nhờ đó, KH&CN đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản Việt Nam và là đòn bẩy để mặt hàng này vươn xa đến nhiều thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt 48,6 tỷ USD. Điển hình, năm 2021, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Pháp, CH. Czech, Australia, Mỹ, Đức... với sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Hay tại Sơn La, thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh này cũng ngày càng được mở rộng như Trung Quốc, Campuchia, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Từ chỗ là tỉnh miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất nước, Sơn La đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, trở thành vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước, với tổng diện tích trên 70.000 ha. Thu nhập bình quân trên 1 ha đạt từ 150 - 500 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao mức sống của người dân và mở rộng phát triển sản xuất.
Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, sản xuất na Chi Lăng, Hữu Lũng tại Lạng Sơn đã đạt diện tích trên 3.500 ha, trong đó hơn 400 ha Na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 1ha canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.
“Nhờ ứng dụng KH&CN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (trong đó cao hơn gấp rưỡi Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới” - đại diện Bộ KH&CN cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiến vào thị trường các nước, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu…
Ông Nguyễn Đình Phong - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La - cho biết, để các sản phẩm nông sản có thể mở rộng thị trường, tận dụng được các cơ hội từ các Hiệp định FTA, thì trước tiên các yếu tố đầu vào như vật tư, giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… đều phải đáp ứng tiêu chuẩn, sau đó mới đưa đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường.