Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh: Tận dụng cơ hội từ UKVFTA Dự báo xuất khẩu cá tra Quý II tăng 50% so với cùng kỳ 2021 Sản xuất, xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm |
Tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2022, xuất khẩu cá tra ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, sau khi gặp khó do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, nhiều lô hàng cá tra luôn trong tình trạng lo lắng bị trả lại nếu nhiễm virus SARS-COV-2 thì nay xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã tăng trở lại.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 97,5 triệu USD, tăng 119%. Dự báo còn khả quan hơn nữa ít nhất trong quý tới.
Tổng giá trị xuất khẩu cá tra quý 1/2022 tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước. Ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cá tra đang tăng trưởng dương từ hai tới ba con số |
Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Malaysia đã tăng trưởng tích cực trở lại sau 2 năm dịch Covid-19 bị ảnh hưởng. Tính đến giữa tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt 7,45 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Malaysia là thị trường điểm đến của gần 40 doanh nghiệp cá tra Việt Nam với sản phẩm xuất khẩu khá đa dạng. Cho tới thời điểm này, Việt Nam và Trung Quốc vẫn là hai thị trường cung cấp hàng đầu sản phẩm cá thịt trắng của Malaysia. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu, chiếm gần 50% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Malaysia.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng tốt. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. “Dự báo, nhu cầu nhu yếu phẩm thiết yếu, trong đó có thực phẩm, thủy sản tăng mạnh sắp tới là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường Mỹ”, VASEP nhận định.
Đáng chú ý, lần đầu sau nhiều năm giảm sút, xuất khẩu cá tra sang EU tăng 86,2% so với quý I/2021 với giá trị xuất khẩu đạt 46,7 triệu USD. Giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn trong khối như: Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%; Bỉ tăng 120%; Tây Ban Nha tăng 67%.
Giá cá tra tăng cao, nhu cầu tiêu thụ cá tra thế giới khả quan, đơn hàng dồi dào kéo giá cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu hiện tăng lên mức 3,4 USD/kg, tăng 0,25 USD/kg so với tháng 1/2022.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - nhận định, thị trường Trung Quốc là thị trường tiềm năng và rất tốt cho cá tra Việt Nam. Đây là thị trường dẫn đầu trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam, sau đó mới đến thị trường Mỹ, EU. Trung Quốc cũng là thị trường rất tiện lợi cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam cả ở đường bộ và đường biển. Tuy nhiên, do chính sách “Zezo Covid” và an toàn vệ sinh thực phẩm đã đưa ra những quy định khiến các doanh nghiệp Việt trước đó chưa thích ứng kịp.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt đã dần thích ứng với các quy định của thị trường này. “Trong giai đoạn này, thị trường Trung Quốc ăn hàng rất nhiều. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh mối quan hệ thương mại giữa hai nước, việc đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp trong nước thích ứng với quy định của thị trường Trung Quốc là hết sức cần thiết”, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.
Riêng đối với thị trường EU, đây là thị trường truyền thống, lâu đời. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố khác khiến xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm. Tuy nhiên, gần đây, thị trường này đã tăng nhập khẩu trở lại.
EU và Mỹ là những thị trường khó tính. Nếu đã chấp nhận nhập hàng của mình thì các thị trường khác cũng sẽ tăng cường nhập khẩu hơn. Nhu cầu thị trường nhập khẩu tăng cao kéo thị trường xuất khẩu cá tra trong quý II/2022 và cuối năm này được nhận định sẽ rất tốt cho ngành hàng cá tra.
“Thời gian vừa qua, thị trường Mỹ và EU sôi động, hiện thị trường Trung Quốc cũng bắt nhịp trở lại, cơ hội cho cá tra Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý II và những tháng cuối năm 2022 là rất tốt”, ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ thêm.
Dự báo, trong quý II/2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng dương. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga. “Bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam các quý tiếp theo được dự báo nhiều lạc quan”, VASEP cũng nhận định.
Giá trong nước khó tăng quá mức 35.000 đồng/kg
Cùng với xuất khẩu tăng mạnh ở các thị trường chính, giá cá tra thương phẩm tại thị trường trong nước cũng ghi nhận ở mức trên 30.000 đồng/kg, tăng 40% so với thời điểm đầu năm 2022.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - địa phương có sản lượng nuôi trồng và thu hoạch cá tra lớn nhất cả nước. Hiện thời điểm giữa tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu từ 31.000 - 32.500 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 24.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi cao. Với mức giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, giá cá nguyên liệu và thức ăn tăng 10 - 20% so với năm trước là nguyên nhân chính đẩy giá cá thành phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, hiện các công ty thủy sản vẫn thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào khiến những đơn vị lớn tranh mua... đã đẩy giá cá liên tục đi lên. Ngoài ra, việc dịch Covid-19 xảy ra thời điểm năm 2020 - 2021 khiến diện tích nuôi bị thu hẹp, sản lượng cá thương phẩm phục vụ xuất khẩu đợt này bị thiếu hụt cũng góp phần đẩy giá lên cao. “Đối với mức giá cá tra trong nước đang ở mức 32.000 - 33.000 đồng/kg, tuy nhiên, lượng bán ở thị trường bên ngoài không nhiều, chủ yếu là các vùng nuôi của các doanh nghiệp mới đảm bảo được”, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay.
Về mức giá cá tra tại thị trường nội địa, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết thêm, năm 2018 đã ghi nhận mức giá 35.000 - 36.000 đồng/kg. Do đó, việc tăng giá thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với mức giá hiện nay là không khó. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề chi phí logistics, vận chuyển, lưu kho bãi… đội chi phí của doanh nghiệp lên khá cao. Do đó, các doanh nghiệp khó có thể tăng thêm giá thu mua đầu vào nguyên liệu cá tra từ người nuôi nếu như chi phí logistics, vận chuyển, lưu kho bãi không hạ nhiệt.