Chủ nhật 20/04/2025 03:36

Đắk Nông đẩy mạnh xuất khẩu nông sản: Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị

Tỉnh Đắk Nông đang tích cực nâng cao chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, mở rộng thị trường đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng mạnh mẽ​

Theo Sở Công Thương /chu-de/tinh-dak-nong.topic, giai đoạn 2004–2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 11.867 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 18,61%/năm.

Năm 2024, tỉnh Đắk Nông ghi dấu ấn đặc biệt khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,045 tỉ USD, tăng 18,6% so với năm 2023. Trong đó, mặt hàng cà phê chiếm khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Các thị trường xuất khẩu cà phê của Đắk Nông chủ yếu là Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia… Trong đó, Singapore là thị trường lớn nhất, chiếm trên 60% giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh.

Cùng với cà phê, tiêu đen của Đắk Nông cũng đang chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này thực hiện được 90 triệu USD tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện hạt tiêu đen được xuất khẩu qua các thị trường chính như: Singapore, Trung Quốc, Australia, Canada, Anh, New Zealand.

Hiện Đắk Nông đã xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Singapore và một số nước châu Âu (Ảnh minh hoạ)

Đối với mặt hàng sầu riêng, hiện Đắk Nông đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Singapore và một số nước châu Âu. Hiện nay, toàn tỉnh đã được cấp 37 mã số phục vụ xuất khẩu, trong đó có 27 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích 644,87 ha, sản lượng ước đạt 7.378,3 tấn và 10 mã cơ sở đóng gói với quy mô 8.490 m2, công suất đạt 730 tấn/ngày.

Hiện nay, nông sản Đắk Nông đã có mặt tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn và ổn định như Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines và Nhật Bản.

Đắk Nông đã xác định 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Ngoài ra, tỉnh cũng phát triển các sản phẩm tiềm năng như sầu riêng, chanh dây, bơ, xoài và măng cụt. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, nhiều nông dân và hợp tác xã đã áp dụng các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Hiện Đắk Nông có hơn 21.000 ha diện tích sản xuất đạt các chứng nhận nông nghiệp tốt

Chiến lược phát triển bền vững​

Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 1,2 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5%/năm . Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã triển khai các giải pháp như đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất.​ Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường.​ Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn theo hướng chủ động, thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu.​

Đắk Nông cũng xác định tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và công tác quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.​ Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong nông nghiệp .​

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bá Út cho hay, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh sắp tới sẽ ưu tiên gia tăng tỉ trọng hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao. Với nhóm hàng chế biến nông, lâm sản sẽ được nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu.

Với những nỗ lực trên, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Kiều Nga
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu cà phê