Tăng cường thanh kiểm tra, lành mạnh hóa lĩnh vực thương mại điện tử
Đánh giá về những tác động của TMĐT đối với nền kinh tế trong những năm gần đây, các chuyên gia cho rằng, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng và cả thói quen kinh doanh. Theo đó, TMĐT đã trở thành xu thế và có bước phát triển nóng. Điều này cũng kéo theo nhiều hiện tượng lợi dụng TMĐT, kể cả các ứng dụng Zalo, Facebook để kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là các hàng cấm.
Trước xu thế này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần có những giải pháp để phát triển lành mạnh, bền vững lĩnh vực TMĐT, đồng thời qua đó bảo vệ người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng với cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm trong TMĐT |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để TMĐT phát triển lành mạnh trong thời gian tới, với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ, Bộ sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan, trước hết là thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe, sẽ tiếp tục điều chỉnh. Bởi lẽ, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Quy định pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn, nhưng thực tiễn của lĩnh vực TMĐT thì phong phú, đa dạng, rất phức tạp, mà chúng ta là một quốc gia phát triển khá nóng, cho nên chưa đủ thời gian để rút ra được những bài học, rút ra kinh nghiệm".
Để thực hiện yêu cầu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, một mặt, Bộ Công Thương sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật, mặt khác sẽ cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển, những nước có TMĐT phát triển. Qua đó thu thập kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, phân loại danh sách các website ứng dụng TMĐT, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý và cũng nâng cao trách nhiệm, ngay cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương - Sở Công Thương các địa phương, đã được cấp địa chỉ.
Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến trước hết cho người dân, người tiêu dùng phải trở thành những người thông minh, có kiến thức cần thiết để không bị lừa trong quá trình tham gia TMĐT. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng cho TMĐT trong giai đoạn tới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, để TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của Việt Nam, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các Bộ ngành cần đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT; về nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển; xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong TMĐT.