Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực nhưng vẫn chưa hết khó?
Thấy gì từ tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục đà phục hồi từ quý I và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý II/2024.
Những tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm không chỉ phản ánh sự phục hồi và phát triển của ngành này mà còn tạo đà cho nền kinh tế. |
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn, 6 tháng đầu năm tăng 8,5% so cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 1,8%. Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành xuất khẩu chủ lực tăng trưởng khá, trong đó, nhóm ngành điện, điện tử có sự phục hồi rõ nét; nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khá; nhóm ngành dệt, may, da giầy tăng tăng cao. Ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng đầu năm nay tăng 13% so cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 0,8%), đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của dân cư.
Bên cạnh đó, PMI (Purchasing Managers Index) là chỉ báo kinh tế quan trọng được sử dụng để đánh giá sức khỏe của ngành sản xuất nhìn nhận, PMI đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, từ mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam và các điều kiện kinh doanh đã cải thiện rõ rệt.
Theo S&P Global ghi nhận, số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng nhanh trong tháng 6. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022. Sản lượng cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 5 năm rưỡi qua.
Tuy nhiên, bên cạnh các điểm tích cực, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, sản xuất công nghiệp 6 tháng còn một số khó khăn. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá nhưng trên nền sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 giảm (giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng 6 tháng đầu năm nay chỉ cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2021, 2022.
Thứ nữa, ngành khai khoáng (ngành đóng góp 16% trong giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp) 6 tháng đầu năm giảm 5,5%, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 2%. Trong đó, đáng chú ý ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm sâu 11,7% (trong đó khai thác dầu thô giảm 6,7%, khai thác khí đốt giảm 16%).
Một số ngành trong trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn gặp khó khăn hoặc dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét, chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%...
Thêm giải pháp bứt phá tạo đà tăng trưởng
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mặc dù sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhưng so với trước dịch Covid-19 vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Việc chỉ số sản xuất cao hơn so với các giai đoạn trước đây, nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn cao điểm trước dịch Covid-19, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn đang trong quá trình hồi phục.
Theo đó, để lấy lại đà tăng trưởng cho nhưng tháng cuối năm cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.
Trong bối cảnh đó, giai đoạn tiếp theo Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép…
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, quan trọng các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...